Theo Báo cáo toàn cầu về rượu bia và sức khỏe của WHO năm 2014, trong 166 quốc gia báo cáo về việc kiểm soát quảng cáo bia, có 10% các quốc gia có chính sách cấm quảng cáo trên toàn bộ các phương tiện truyền thông; 39,6% các quốc gia không có quy định cấm; còn lại là có quy định cấm một phần hoặc toàn bộ. Nghiên cứu về quảng cáo và tiêu thụ đồ uống có cồn ở nhóm thanh niên của Henry Saffer và Dhaval Dave (Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ - NBER) năm 2003 cho thấy, cấm toàn bộ quảng cáo bia và rượu trên 5 kênh truyền thông ở Mỹ gồm kênh thể thao tivi, kênh radio thể thao, quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo và tạp chí, sẽ giảm 24% tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng bia hàng tháng và giảm đến 42% tỷ lệ thanh thiếu niên say rượu bia hàng tháng.
Cấm quảng cáo trên các kênh truyền thống
Luật Kiểm soát rượu bia 1991 của Cộng hòa Pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo đối với rượu và thuốc lá. Theo đó, tất cả đồ uống có cồn có trên 1,2% độ cồn đều được xem như rượu. Không được quảng cáo với mục đích nhằm vào người trẻ tuổi. Không được quảng cáo rượu trên tivi và tại rạp chiếu phim. Không được tài trợ cho các sự kiện văn hóa và thể thao. Chỉ được quảng cáo trên các ấn phẩm dành cho người lớn, trên bảng dán thông báo, trên đài phát thanh (với những điều kiện rất nghiêm ngặt), trong một số sự kiện đặc biệt như hội chợ rượu, bảo tàng về rượu.
Luật kiểm soát rượu bia và thuốc lá-Nata (National Authority on Tobacco and Alcohol) của Sri Lanka năm 2006 quy định: cấm quảng cáo rượu. Trong đó quy định, quảng cáo rượu là bất kỳ đặc điểm chữ viết, tranh hoặc ảnh di động, dấu hiệu, biểu tượng hoặc màu sắc hoặc hình ảnh có thể nhìn thấy được hoặc thông điệp bằng âm thanh hoặc bất kỳ sự kết hợp của các yếu tố trên để khuyến khích hoặc thu hút để khuyến khích uống rượu, mua rượu hoặc liên quan đến một nhãn rượu nào đó… Luật cũng cấm đưa ra lời chào về phần thưởng, quà, giảm giá hoặc quyền tham gia các cuộc thi, xổ số hoặc trò chơi cho người mua rượu.
Một số nước khác như ở Anh, quảng cáo rượu trên truyền hình bị cấm sau 21 giờ. Tại Đức, không được phép quảng cáo rượu trong các chương trình dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Hơn nữa, theo luật pháp Đức, trong các clip quảng cáo rượu không được có hình ảnh thanh niên hút thuốc hoặc uống rượu.
Còn ở Australia, cấm toàn bộ quảng cáo rượu, bia, đồ uống có cồn trên các chương trình truyền hình dành cho trẻ em hay trong khung thời gian dành cho trẻ em; các nội dung quảng cáo không được chưa hình ảnh khuyến khích uống rượu bia, không sử dụng hình ảnh người trẻ.
Cấm tiếp thị qua internet và mạng xã hội
Tiếp thị kỹ thuật số qua internet cung cấp cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh rượu bia trong việc khai thác tính tương tác với người dùng và giữa “người tiêu dùng đến người tiêu dùng” thông qua các tính năng cho phép người dùng đăng tải nhận xét, hình ảnh, bàn luận, chia sẻ với bạn bè về thông tin tiếp thị, hoặc thậm chí tự quảng cáo và tham gia vào quảng cáo do người dùng tự tạo. Điều này có liên quan đến mức tiêu thụ rủi ro cao hơn. Bởi quảng cáo trên internt và mạng xã hội làm suy yếu các quy định hạn chế tiếp thị rượu bia trên phương tiện truyền thống. Theo các nghiên cứu ở Mỹ ước tính tỉ lệ làm suy yếu là 62%.
Theo Cơ sở dữ liệu GISAH của WHO được nghiên cứu vào năm 2016, 89 quốc gia có quy định kiểm soát quảng cáo rượu bia trên internet và mạng xã hội, trong đó có 28 quốc gia cấm toàn bộ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông này đối với cả bia, rượu vang và rượu mạnh, điển hình như Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Lào…
Có 4 quốc gia áp dụng quy định cấm bán đồ uống có cồn trên internet trên phạm vi toàn quốc hoặc ở một số tiểu bang, gồm Đài Loan, Nga, Ba Lan, Mỹ. Năm 2018, Thụy Điển tiếp tục đề xuất quy định nhằm cấm các nhà phân phối đồ uống có cồn trên internet ở các nước thuộc EU giao hàng cho người dân đang cư trú tại Thụy Điển.
Năm 2015, nhằm mục đích hạn chế giới trẻ tiếp xúc với quảng cáo rượu, Phần Lan trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở Bắc Âu cấm quảng cáo rượu bia trên phương tiện truyền thông mạng xã hội. Lệnh cấm bao gồm quảng cáo và khuyến mại rượu bia mà liên quan đến các trò chơi, xổ số hoặc cuộc thi; liên quan đến hoạt động dịch vụ mạng thông tin mà nội dung bằng ký tự hoặc hình ảnh do người dùng tạo ra hoặc bất kỳ nội dung nào được tạo ra bởi một người làm thương mại. Ví dụ: các cuộc thi và giải thưởng trên Facebook cho phép mọi người chia sẻ bài đăng trên trang Facebook của họ, hoặc sản xuất các video nhằm mục đích lan truyền trên các trang truyền thông mạng xã hội đều bị cấm.
Kể từ khi Phần Lan ban hành lệnh cấm này, một số quốc gia khác ở khu vực Bắc Âu đã làm theo. Theo Báo cáo toàn cầu về sử dụng rượu bia và sức khỏe của Tổ chức y tế thế giới, năm 2018, Litva ban hành lệnh cấm quảng cáo rượu bia toàn diện bao gồm cả phương tiện kỹ thuật số và Estonia đang xem xét các biện pháp tương tự. Ở Thụy Điển, sách trắng đã được trình lên Quốc hội về bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi quảng cáo trực tuyến.
Tại Nga, cuộc đấu tranh vì lệnh cấm quảng cáo bia trên truyền hình đã kéo dài hơn 10 năm. Và cuối cùng, 1.1.2013, Luật Cấm quảng cáo rượu đã có hiệu lực, các sửa đổi về cấm quảng cáo rượu trên truyền hình, đài phát thanh, phương tiện giao thông công cộng, nhà ga và sân bay đã được áp dụng. Quảng cáo rượu trên các bảng quảng cáo và biểu ngữ cũng sẽ bị cấm. Luật mới cũng cấm quảng cáo rượu trên báo chí và trên Internet. Quảng cáo bất kỳ loại rượu nào cũng sẽ phải biến mất khỏi các ấn phẩm định kỳ và tất cả các nguồn tài nguyên trực tuyến.