Kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết

- Thứ Hai, 22/02/2021, 08:18 - Chia sẻ
Khi ban hành Nghị quyết 01/NQ - CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chính phủ đã xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Nghị quyết cũng đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trường hợp dịch được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I.2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra (6%) thế nhưng lại thấp hơn mức 6,5% trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Và để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Cụ thể, quý III tăng 6,73%, quý IV tăng 7,04%.

Đánh giá tại Phiên họp Chính phủ diễn ra ngày 2.2 vừa qua cho thấy, dù trong bối cảnh dịch Covid -19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp nhưng kinh tế - xã hội tháng 1.2021 vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, thể hiện qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm. Là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12.2020, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,1%...

Bởi vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong 6 tháng đầu năm ngoài việc phòng chống dịch, cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế; xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải; chủ động phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản, biện pháp để ứng phó hiệu quả với những biến động và vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, cần tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh. Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường; thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu... Bộ cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và doanh nghiệp.

Có thể thấy, cho dù theo kịch bản, dự báo nào thì kiểm soát dịch bệnh vẫn là điều kiện tiên quyết để có tăng trưởng. Tuy nhiên nếu không tính toán kỹ lưỡng, các giải pháp chống dịch có thể ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Rộng hơn là ảnh hưởng tới mục tiêu “kép”: Vừa khống chế dịch vừa tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta; tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó bao gồm nhiều nội dung, giải pháp tương đồng với các nội dung trên. Bộ sẽ phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình mới và chiến lược của các quốc gia khác để báo cáo Chính phủ cùng với các nội dung của Đề án trong thời gian tới.

Ninh Khánh