Kiểm soát dịch bệnh bằng công nghệ thông tin

- Thứ Hai, 16/08/2021, 06:39 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, làm sao có thể nhanh chóng kiểm soát, khoanh vùng dập dịch, sớm phát hiện nguy cơ là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả. Do đó, bên cạnh những "vũ khí" như 5K, vaccine thì công nghệ thông tin đang được ứng dụng mạnh mẽ cả trong truy vết, xét nghiệm tới giám sát cách ly... Đó là chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam.
Người dân đứng trước máy quét để nhận diện khuôn mặt, thực hiện khai báo y tế tại Cà Mau
Người dân đứng trước máy quét để nhận diện khuôn mặt, thực hiện khai báo y tế tại Cà Mau 
Nguồn: Bộ Y tế

Không bị động trong truy vết

Chỉ sau 1 giờ, nền tảng hỗ trợ của Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia đã truy vết tự động được hàng nghìn trường hợp liên quan đến Công ty Thực phẩm Thanh Nga tại Hà Nội. Bên cạnh đó, việc kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone, nhất là đối với những người có biểu hiện ho, sốt, đau họng, cũng giúp các cơ quan y tế tại Hà Nội kịp thời phát hiện ra những ca “chỉ điểm” trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây.

Theo Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết 28.7, Hà Nội có thêm 14.549 người cài đặt Bluezone (so với lần cập nhật ngày 25.7), dẫn đầu cả nước về số lượng người sử dụng Bluezone tăng thêm. Trong đó, 5 đơn vị tăng nhiều nhất trong 30 quận, huyện của Hà Nội là Nam Từ Liêm (1.436 người), Chương Mỹ (1.354 người), Hà Đông (1.014 người), Cầu Giấy (906 người), Hoàng Mai (780 người); 5 đơn vị có tỷ lệ người sử dụng Bluezone/Smartphone cao nhất đến nay là Cầu Giấy (51,31%), Nam Từ Liêm (51,15%), Thanh Xuân (50,99%), Bắc Từ Liêm (50,82%), Đống Đa (50,43%). 

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong truy vết, xét nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Trường Nam nhận định, nếu như áp dụng theo phương thức truyền thống, thủ công là hỏi F0 trong 14 ngày vừa qua đã làm gì, đi đâu, tiếp xúc với đối tượng nào… không chỉ mất rất nhiều thời gian mà thông tin chưa hẳn đã chính xác, khiến công tác truy vết gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, với ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua hoạt động người dân khai báo y tế hay quét mã QR ở các địa điểm đi, đến; khi phát hiện ra F0, ngay lập tức đã có hệ thống dữ liệu theo dõi trong 14 ngày. Tương tự, trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, công nghệ thông tin cũng giúp trả kết quả rất nhanh chóng và đơn giản, người dân có thể chủ động khai báo thông tin trên ứng dụng điện thoại khi đến các điểm xét nghiệm. 

Đẩy mạnh giám sát bằng công nghệ

Song song với truy vết, xét nghiệm, công tác giám sát và quản lý cách ly bằng công nghệ thông tin cũng được triển khai có hiệu quả. Đơn cử như để triển khai thí điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, Bộ Y tế lựa chọn phần mềm VHD (VietNam Health Declaration) do Trung tâm Giải pháp Y tế số (Viettel Solutions) phát triển. Phần mềm cũng được TP. Hồ Chí Minh triển khai thí điểm quản lý, giám sát cách ly tại nhà đối với các ca nghi nhiễm Covid-19. 

Theo Phó Giám đốc Viettel Solutions Lưu Thế Anh, giải pháp giám sát cách ly tại nhà có 2 tùy chọn bắt buộc phải triển khai. Thứ nhất là người dân phải có điện thoại di động, thứ 2 là trên điện thoại di động khi cài ứng dụng phải có nhận diện khuôn mặt. Khi người dân thực hiện khai báo y tế tại nhà, ứng dụng sẽ cảnh báo cho đơn vị quản lý về việc người cách ly đã khai báo hay chưa. Thời điểm khai báo sẽ có các khung giờ khác nhau, do cơ sở y tế quy định. Khi người cách ly ra khỏi khu vực cư trú, lực lượng y tế địa phương và công an phường sẽ kịp thời giám sát, xác nhận tình hình. 

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, kiểm soát chặt hơn người ra vào tỉnh, tại một số điểm cách ly, chốt phòng dịch, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Chi nhánh Viettel Cà Mau triển khai hệ thống Khai báo y tế quét mã QR code có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt. Hệ thống có các tiện ích là số hóa tờ khai giấy tại chốt kiểm dịch thành tờ khai điện tử, có chụp ảnh khuôn mặt để nhận diện nhập cảnh; truyền dữ liệu nhanh đến các cấp theo thời gian thực; phát hiện tự động người về từ vùng dịch; hỗ trợ theo dõi, báo cáo nhanh, chính xác. Bên cạnh đó, hệ thống cũng có chức năng thông báo người có nhiệt độ cao, ốm sốt. 

Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Cà Mau Trần Hoàng Ngọc Tâm cho biết, với hệ thống này, người thường xuyên qua chốt chỉ cần khai thông tin ở lần thứ nhất, sau đó sẽ được hệ thống quét mã và quét nhận diện khuôn mặt để lưu thông tin. Những lần sau đó, người đi qua chốt chỉ cần quét mã QR code và đứng trước máy để quét nhận diện khuôn mặt là có đủ thông tin xử lý. Khi nhận diện khuôn mặt có phát hiện người về từ vùng dịch, hệ thống sẽ bật đèn đỏ để cảnh báo; tự động nhắn tin SMS cho các thành viên của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tuyến, để nhanh chóng đưa ra phương án xử lý. 

Dương Cầm