Kiểm soát chủ động

- Thứ Bảy, 23/01/2021, 05:43 - Chia sẻ
Kết quả quan trắc chất lượng không khí những ngày qua tại 34 trạm trên địa bàn Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung cho thấy, chất lượng không khí ở mức xấu, thậm chí có điểm rất xấu. Vì vậy các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời...

Ô nhiễm không khí giờ không còn là chuyện mới, chuyện lạ. Người dân dù rất quan tâm nhưng không biết phải ứng phó ra sao, bởi ngay cả các cơ quan chức năng cũng chỉ đưa ra khuyến cáo. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm cũng chỉ được nêu chung chung: Nước ta đang bước vào "mùa ô nhiễm không khí" theo chu kỳ hàng năm, từ tháng 9 năm trước tới tháng 3 năm sau do điều kiện khí tượng không thuận lợi. Hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra khiến các chất ô nhiễm không phát tán được, tập trung ở sát mặt đất khiến mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn, chưa được kiểm soát hiệu quả. Diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu, việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả...

Những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm đã quá rõ ràng. Các cơ quan chức năng cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày 1.6.2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Các bộ, ngành đã xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng. Các địa phương cũng đã triển khai một số biện pháp để từng bước cải thiện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quan trắc môi trường để đề nghị tăng cường thực hiện công tác bảo vệ môi trường không khí theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Vậy nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn hoặc nếu có cũng theo kiểu tình thế nên hiệu quả chưa cao. Ô nhiễm không khí vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, còn giải pháp căn cơ là kiểm soát các nguồn thải chưa được quan tâm đúng mức. Ví dụ như tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dù đã nỗ lực nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường nhưng giải pháp cụ thể, hiệu quả như thế nào vẫn chưa rõ ràng, hoặc đôi khi gặp phải phản ứng trái chiều từ dư luận...

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường chắc chắn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chứ không thể chỉ đơn lẻ một, hai giải pháp mang tính tình thế, khó đoán định hiệu quả. Đầu tiên là phải tăng cường mức độ phát tán, giảm thiểu đầu nguồn và xử lý cuối nguồn. Tiếp đó, cần thay đổi cách tiếp cận về kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng chủ động chứ không thể chỉ kiểm soát phần "ngọn" tức giải quyết các vi phạm mà còn phải dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn. Đây có thể coi là biện pháp gốc rễ bởi nếu kiểm soát được ngay từ đầu thì đương nhiên sẽ khó xảy ra hậu quả.

Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã trở nên cấp bách. Do vậy, không thể để tình trạng này diễn tiến theo tự nhiên, tức tự có, tự hết, hoặc phải đợi đến khi có các yếu tố khách quan như thời tiết - nếu các cơ quan chức năng, các địa phương không thay đổi hướng giải quyết.

Ninh Hà