Thời sự Quốc hội

Kiểm soát chặt việc thành lập, quản trị doanh nghiệp

Trần Tâm 10/05/2025 17:10

Chiều 10/5, thảo luận tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre, Tây Ninh) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các đại biểu đề nghị cần xây dựng các khâu kiểm soát chặt việc thành lập doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp.

Thành lập mới nhưng phải hoạt động hiệu quả

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp hiện nay. Đồng thời, thống nhất với các nội dung theo Tờ trình của Chính phủ.

to0901.jpg
Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 9 chiều 10/5. Ảnh: Trần Tâm

Cho ý kiến vào việc thành lập doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, quá trình khảo sát thực tế tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc cùng các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và đã nhận được rất nhiều ý kiến về sửa đổi luật, trong đó có nội dung về đăng ký doanh nghiệp.

z6587665363723_447f49c817689917992a19d7834e603e.jpg
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: T. Tâm

“Có khá nhiều ý kiến của các đơn vị cho rằng, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp thông thoáng như thời gian qua, bên cạnh sự thay đổi tích cực thì cũng đặt ra những rủi ro. Bởi thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhưng thực chất không hoạt động mà thực hiện nhiều hình thức khác, gây khó khăn cho việc quản lý tại địa phương. Đặc biệt, việc quy định thủ tục quá đơn giản cũng như phần vốn góp hiện không kiểm soát được, dẫn đến các doanh nghiệp được thành lập nhiều nhưng hiệu quả không như mong đợi, gây khó khăn trong việc quản lý nhà nước”, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết.

Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị, cần cân nhắc xem xét xây dựng các khâu để kiểm soát chặt vấn đề này, tránh tình trạng các doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không thực hiện mục tiêu theo như đăng ký ban đầu, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý, quản trị. “Tuy không tăng thêm các quy trình, thủ tục nhưng phải bảo đảm các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phải hoạt động hiệu quả”, đại biểu nêu rõ.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: T. Tâm

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị, trong quy định của khoản 5, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 16 về kê khai giả mạo, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cần tiếp tục rà soát thêm các hành vi bị nghiêm cấm. “Nhất là việc tiếp tay cho các doanh nghiệp không có hoạt động thực tế mà mua bán, cho thuê doanh nghiệp pháp nhân trái pháp luật, không qua các quy trình đăng ký hợp pháp hay lợi dụng tư cách của doanh nghiệp để tài trợ khủng bố, rửa tiền xuyên quốc gia”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Bổ sung chế tài xử lý kê khai khống vốn điều lệ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, điểm d, khoản 1, Điều 1 bổ sung khoản 35, Điều 4 luật hiện hành đã bổ sung giải thích khái niệm kê khai khống vốn điều lệ. Tuy nhiên ngoài việc bổ sung giải thích từ ngữ cũng cần phải xem xét bổ sung các quy định, biện pháp, chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ vốn điều kiện đã đăng ký hoặc cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý thuế. Như vậy bổ sung quy định này mới thực sự mang lại hiệu quả.

z6587666276287_0fbf1a1c459bb27b87590260e7b7f9ab.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: T. Tâm

Tại Điều 2 của dự thảo luật về điều khoản chuyển tiếp có quy định: đối với các doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm luật này có hiệu lực thì việc bổ sung thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (nếu có) được thực hiện đồng thời tại thời điểm doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần nhất.

Đại biểu cho rằng, nên có quy định rõ về thời hạn chậm nhất cần phải kê khai là bao nhiêu kể từ khi luật có hiệu lực để tránh tình trạng các doanh nghiệp trì hoãn hoặc không thực hiện kịp thời việc kê khai bổ sung gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, phát huy được hiệu quả trong việc quy định phải kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi tại doanh nghiệp.

z6587666406720_f6d5b2b09f6f222d98dd1e0b459bdc1b.jpg
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: T. Tâm

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng cho rằng, Luật Doanh nghiệp hiện hành vẫn còn một số nội dung thực tiễn thực hiện có khó khăn, vướng mắc nhưng trong dự thảo sửa đổi này lại không đề cập đến như: Tại khoản 2, Điều 17 luật hiện hành quy định về đối tượng không có quyền thành lập vào quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm các đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật về thuế như trốn thuế, nợ thuế vào các đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp.

“Thời gian qua, việc vi phạm thuế nói chung của các doanh nghiệp diễn biến tinh vi với số lượng lớn, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, việc bổ sung đối tượng này sẽ góp phần bảo đảm trong việc thu ngân sách nhà nước và ổn định môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết.

z6587666200741_922bff4e78c23e5dccd2822cd57549da.jpg
ĐBQH Phạm Đức Ấn (Quảng Ninh) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: T. Tâm

Liên quan đến thứ tự tình trạng pháp lý của doanh nghiệp quy định tại Điều 1, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần rà soát thêm việc quy định thứ tự đã đầy đủ chưa và rà soát lại việc “bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế” trong quy định này. Ngoài ra, tại khoản 2 bổ sung khoản 5a sau khoản 5 Điều 8 về “thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp”. Đại biểu cho rằng, cần phải có thêm điều kiện bảo đảm tính bảo mật thông tin của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm các nội dung về quy chế phối hợp, làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi ở địa phương. Bởi, hiện nay dự thảo cũng chưa đề cập đến cơ chế phối hợp giữa UBND tỉnh với các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp nhà nước có các đơn vị thành viên hoạt động ở trên các địa bàn.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kiểm soát chặt việc thành lập, quản trị doanh nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO