Nhịp cầu

Kiểm soát chặt để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng

- Chủ Nhật, 14/03/2021, 07:55 - Chia sẻ

Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm so với những năm trước, ý thức của người dân, sự chủ động của chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng về công tác phòng chống cháy rừng được nâng cao. Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn; địa hình phức tạp, với nhiều loại rừng khác nhau, diện tích rừng trồng thông lớn. Theo dự báo của trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, năm 2021 diễn biến thời tiết rất phức tạp và bất thường, mùa hè nắng nóng gay gắt, khô hạn có thể kéo dài sẽ tác động rất lớn đến công tác bảo vệ rừng, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Trước thực tế đó, để chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt các nguyên nhân và nguy cơ dẫn đến cháy rừng và giảm thiểu số vụ cháy, thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp PCCCR trên địa bàn tỉnh năm 2021. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo triển khai các biện pháp PCCCR trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng dân cư.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức ký kết hợp đồng lực lượng và phương tiện với các đơn vị Quân đội, đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn để thống nhất cơ chế huy động lực lượng chữa cháy rừng trong các tình huống cháy rừng lớn xẩy ra. Tăng cường kiểm tra an toàn PCCCR tại các khu rừng trọng điểm, quản lý tốt các hoạt động canh tác nương rẫy; đốt xử lý thực bì trồng rừng; xử lý nghiêm các hành vi chặt phá và chuyển mục đích rừng trái phép… Đặc biệt, trong các tình huống cháy rừng xảy ra, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã phải khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật, hậu cần tại chỗ và trực tiếp chỉ huy chữa cháy kịp thời; có biện pháp bắt buộc phục hồi, trồng lại rừng sau khi bị cháy theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT tham mưu thực hiện tốt chức năng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh về công tác lâm nghiệp; tham mưu ban hành kịp thời các văn bản đôn đốc, chỉ đạo điều hành, tổ chức lực lượng PCCCR; hướng dẫn xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án PCCCR theo quy định hiện hành. Giao Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành, thị tăng cường phối hợp chữa cháy rừng. Đối với các vụ cháy rừng xảy ra gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, cần chủ động lập án điều tra, đấu tranh ngăn chặn tội phạm đốt rừng, hủy hoại rừng để kịp thời xử lý nghiêm minh theo quy định nhằm giáo dục, phòng ngừa và răn đe chung…

Thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa hè nắng nóng cực kỳ gay gắt, khô hạn kéo dài nên tầng thảm thực bì khô, rất dễ bén lửa nên nguy cơ cháy rừng luôn thường trực. Mong rằng, chính quyền, cơ quan quản lý các cấp có những giải pháp phòng ngừa, phương án hợp lý để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Hải Phong