Kiềm chế lạm phát và giảm phát - ưu tiên cho lĩnh vực nào?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã giảm 0,19% so với tháng trước đó, mức giảm nhiều nhất trong mấy tháng gần đây. Thế nhưng, điều đáng quan tâm hiện nay là lạm phát đang được đẩy lùi thì lại có biểu hiện của sự giảm phát. Vậy trong lúc này nên ưu tiên chống lạm phát hay chỉ tiếp tục chống lạm phát và xử lý giảm phát như thế nào?

Giảm phát lộ diện
Sự ảnh hưởng của lạm phát lâu nay đã được nhắc đến rất nhiều nhưng giảm phát lại chỉ mới được đề cập đến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây cũng là điều rất đáng quan tâm, vì nếu quá hăng hái trong chống lạm phát mà để tình trạng giảm phát tăng cao có thể dẫn tới suy thoái, triệt tiêu tăng trưởng, thậm chí nền kinh tế gặp khó khăn và trì trệ kéo dài. Nhưng nếu sớm lo lắng với giảm phát để rồi buông lỏng các chính sách chống lạm phát thì có thể dẫn đến điều nguy hiểm là lạm phát bùng phát trở lại.
Các tín hiệu giảm phát mà các chuyên gia cảnh báo hiện nay không chỉ các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng do kinh tế thế giới suy giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, mà ngay thị trường nội địa, sức mua đã có chiều hướng giảm sút. Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Huy Tám tỏ ra lo ngại: lượng thép xây dựng tiêu thụ gần đây đã giảm 2/3, tức chỉ còn khoảng 100.000 tấn/tháng so với mức 330.000 tấn/tháng trước đó. Theo ông Tám, hầu hết doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đang phải kiềm chế sản xuất, trong đó, một số đã dừng sản xuất. Nếu tình hình không được cải thiện sớm, một loạt doanh nghiệp trong ngành thép có thể bị phá sản. Còn Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, người dân đang tập trung chi tiêu cho ăn uống nhiều hơn. Thể hiện ở tỷ trọng doanh thu nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng dần, từ 42% thời điểm tháng 1.2007, đã đạt 68% vào tháng 9.2008. Ngược lại, doanh thu các nhóm hàng khác giảm từ 58% tháng 1.2007 xuống còn 32% trong tháng 9.2008. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ từ mức tăng trưởng 11,29% hồi tháng 2.2008 đã giảm dần, đến tháng 9.2008 chỉ tăng 1,67%.
Có nên tiếp tục ưu tiên chống lạm phát hay không?
Trước hai vấn đề cơ bản, chống lạm phát và giảm phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nêu vấn đề: "Nếu như đặt ra vấn đề giảm phát mà vẫn hăng hái chống lạm phát thì sẽ gặp những khó khăn gì? Có thể kinh tế vĩ mô sẽ xấu, tăng trưởng sẽ giảm và dẫn đến thất nghiệp. Đây là điều phải giải quyết". Ông Tuyển đề cập thêm: hiện giá thế giới giảm, xuất khẩu giảm, đầu tư cũng giảm thì GDP giảm. Đó là những nguy cơ phải tính đến. Vì vậy, có thể phải tiếp tục kiềm chế lạm phát chứ không ưu tiên nữa. Cùng quan điểm này, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu chính sách vĩ mô vẫn tiếp tục đặt ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, duy trì tục thắt chặt tín dụng và lãi suất sẽ khiến khối sản xuất không thể có tăng trưởng. Do đó, ổn định kinh tế vĩ mô là đúng nhưng không nên ưu tiên cho chống lạm phát nữa.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm lại cho rằng, vấn đề giảm phát là chưa đáng lo, vì tiêu chí xác định giảm phát có hai vấn đề: giá cả và GDP cùng liên tục giảm. Mà GDP giảm sẽ dẫn đến sản xuất trì trệ, làm giảm sức mua. Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 6,5%, việc làm vẫn tương đối ổn định. Mức tăng trưởng này vẫn bảo đảm tạo ra việc làm, thu nhập, tiêu dùng... Điều cần làm là chống lạm phát và cảnh giác với giảm phát, cần có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Muốn cụ thể hóa vấn đề này thì cần phải kết hợp chính sách tài khóa về giảm thuế, phát hành trái phiếu để thành lập một quỹ hỗ trợ daonh nghiệp, thậm chí bằng nhiều hình thức không vi phạm các cam kết hội nhập mà nhà nước vẫn đưa được vốn giá rẻ, thậm chí là cho vay vốn không lãi suất. Như thế, trước hết có thể hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, khi doanh nghiệp mạnh thì xuất khẩu tốt; Xuất khẩu tốt đồng nghĩa với tiêu thụ tốt nông sản cho nông dân, đời sống người dân tốt lên; Và cuối cùng là xây dựng hạ tầng kinh tế không bị gián đoạn do khủng hoảng.