Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 05:40 - Chia sẻ
Giai đoạn tới, nền kinh tế nước ta dự báo tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, đầu tư công được xác định đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thảo luận tại tổ sáng qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cần được tiếp tục đổi mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế và có giải pháp đột phá nhằm tạo chuyển biến thực chất trong lĩnh vực đầu tư công. Đặc biệt, cần có cơ chế để huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển.

Đổi mới nhận thức về vốn đầu tư 

Giai đoạn 2016 - 2020, lần đầu tiên nước ta xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định mới của pháp luật về đầu tư công. Mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, thành công nổi bật của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là cơ bản khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm.

Nhiều ĐBQH cũng đánh giá cao tinh thần cầu thị của Chính phủ trong đánh giá, tổng kết việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn vừa qua và rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tiếp theo. ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn như: Trình tự, thủ tục phức tạp làm chậm tiến độ của dự án; bố trí vốn chưa trọng tâm, trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công chậm dẫn tới nợ đọng trong đầu tư cơ bản; việc bố trí, sử dụng vốn vay nước ngoài cho các công trình, dự án đầu tư công chậm, không cân đối hợp lý giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ, làm cho nhiều dự án bị thiếu vốn, không thể giải ngân, gây lãng phí nguồn lực… Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần có những giải pháp thật sự quyết liệt, căn cơ nhằm khắc phục những khuyết điểm trong thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới, thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược trong thực hiện đột phá về phát triển hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là  đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP), các dự án BOT. ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đánh giá cao quan điểm mới của Chính phủ là thay đổi nhận thức trong huy động vốn đầu tư công và cho biết, lâu nay một số địa phương còn “nặng” tư tưởng chờ vốn đầu tư công từ ngân sách của Trung ương. Mặc dù thời gian qua, chúng ta đã thực hiện chủ trương huy động nguồn lực ngoài nhà nước, nhưng dư địa huy động vốn đầu tư từ xã hội còn rất lớn. Mục tiêu đặt ra trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới là giảm tỷ trọng vốn đầu tư công, tăng vốn đầu tư xã hội trong cơ cấu vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Sớm tháo gỡ vướng mắc về thể chế

Một trong những tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian qua là yếu kém trong tổ chức thực hiện, dẫn tới chậm tiến độ giải phóng mặt bằng; chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; chất lượng dự án chưa đảm bảo, phải điều chỉnh dự án nhiều lần; bố trí vốn không kịp thời; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý chưa đáp ứng yêu cầu… Cơ bản tán thành với các giải pháp mà Chính phủ đề xuất để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, song các ĐBQH cũng đề nghị, Chính phủ cần xác định đâu là những giải pháp đột phá để thực hiện kế hoạch trong 5 năm tới? Theo ĐBQH Hoàng Đức Thắng, Chính phủ cần nhấn mạnh vào ba giải pháp đột phá: thứ nhất, đột phá về thể chế, chính sách pháp luật, rút ngắn trình tự thủ tục, thời gian giao vốn; thứ hai, đột phá trong phân cấp giao quyền cho địa phương, gắn trách nhiệm cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm trong đầu tư công; thứ ba, đột phá trong chính sách huy động vốn ngoài nhà nước. 

Nêu thực tế, khâu giải phóng mặt bằng là vướng mắc lớn nhất trong triển khai các dự án đầu tư công hiện nay, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, nên thực hiện tốt công tác tuyên truyền gắn liền với thông tin để người dân đồng thuận đối với các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn là chênh lệch giữa giá đất và mức giá đền bù khiến người dân không đồng thuận gây ra bức xúc xã hội.

ĐBQH Phạm Thị Thanh Trà (Yên Bái) cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế. Trong đó, tập trung tháo gỡ những vấn đề lớn như vướng mắc liên quan đến chính sách về giải phóng mặt bằng. Chỉ riêng giải quyết vấn đề này đã đòi hỏi Chính phủ phải xem xét, đề xuất sửa đổi nhiều luật, nghị định liên quan như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ngân sách Nhà nước…

ĐBQH Đỗ Đức Duy (Yên Bái) kiến nghị, Chính phủ cần nhấn mạnh giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng lập quy hoạch, bao gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và một số quy hoạch ngành, lĩnh vực khác. Thực tiễn cho thấy, ở các địa phương khi các đồ án quy hoạch được lập với chất lượng tốt thì đầu tư công hiệu quả hơn; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn. Khi các địa phương có các đồ án quy hoạch tốt, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch khu/cụm công nghiệp thì việc huy động nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư cho phát triển.

Nhật An