CHÀO MỪNG NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM 18.5 - KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO KIẾN TẠO TƯƠNG LAI

Khuyến khích nghiên cứu khoa học cơ bản

- Thứ Hai, 18/05/2020, 07:32 - Chia sẻ
Nghiên cứu cơ bản được coi là nền móng cho nghiên cứu ứng dụng. Việc hình thành và tổ chức trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành riêng cho lĩnh vực nghiên cứu cơ bản từ vài năm nay cho thấy không chỉ để tôn vinh những giá trị khoa học, khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, mà còn khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực này.

Nghiên cứu cơ bản được quan tâm, nhìn nhận tích cực

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chia sẻ: Xác định được tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản, trong nhiều năm qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều sự quan tâm đúng mức cho lĩnh vực này. Cụ thể, ngày 1.3.2020 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 27/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014 quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Các chính sách này đã mở ra một cách thức mới để các nhà quản lý Việt Nam có thể tuyển chọn, trọng dụng các nhà khoa học tài năng, điều mà họ chưa thể thực hiện ngay với những cơ chế cũ, tạo đà phát triển cho khoa học và công nghệ nói chung và nghiên cứu cơ bản nói riêng.


Chân dung ba nhà khoa học xuất sắc được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 

Tính đến năm 2020, qua 7 đợt xét thưởng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao cho 20 nhà khoa học ở các trường đại học và viện nghiên cứu, thuộc đầy đủ các ngành, lĩnh vực: Toán học, vật lý, hóa học, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược, khoa học thông tin và máy tính, khoa học trái đất và môi trường, cơ học kỹ thuật… với 16 giải thưởng chính và 4 giải thưởng trẻ.

Nhằm triển khai các chủ trương của Đảng, Chính phủ, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực cùng với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Theo đó, khoa học cơ bản vẫn nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc thúc đẩy thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến 2020; chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025 cũng như là đưa vào vận hành 2 Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận là mục tiêu quan trọng của ngành khoa học và công nghệ. Đây sẽ là môi trường nền tảng, cùng với các chương trình khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hướng tới gặt hái được những kết quả, công trình nghiên cứu ở tầm quốc tế.

Những cơ chế, chính sách đó đã mang đến cho các nhà khoa học nhiều cơ hội mới, có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu với các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Một trong các sự kiện được coi là “đột phá” của nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam là sự ra đời, hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted). Trong đó, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đang được các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như dư luận xã hội đánh giá cao.

Tôn vinh những giá trị khoa học

Theo GS.TSKH. Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu trong nhiều năm cho biết: Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng quốc gia đầu tiên vinh danh các công bố khoa học xuất sắc ngang tầm thế giới. Quy trình xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu chặt chẽ, khoa học, công khai và minh bạch. Các hồ sơ do Hội đồng khoa học chuyên ngành của Nafosted và Hội đồng Giải thưởng gồm các nhà khoa học có uy tín quốc tế đánh giá. Mỗi công trình đều có đánh giá của 2 nhà khoa học uy tín trong nước và 2 nhà khoa học quốc tế. Công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận.

Sau hơn hai tháng phát động, cơ quan thường trực Giải thưởng đã tiếp nhận 48 hồ sơ đăng ký tham gia. Các hồ sơ tham gia thuộc tất cả các ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, trong đó có 10 hồ sơ do các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân đề cử và 38 hồ sơ tự ứng cử. Ngày 8.5.2020, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt theo đề xuất của Hội đồng trao giải thưởng cho 3 công trình của 3 nhà khoa học, gồm 2 giải thưởng chính và 1 giải thưởng trẻ.

Năm 2020 là năm thứ hai có nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu, đó là PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) với công trình “Nghiên cứu so sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi với các bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang”. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chứng minh việc chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương với chuyển phôi tươi trên bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm mà không bị hội chứng buồng trứng đa nang. Trước đây trên thế giới thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm luôn phải chuyển phôi tươi bởi vì kỹ thuật đông lạnh phôi chưa có hiệu quả. Đồng thời, việc chuyển phôi tươi khiến nhiều bệnh nhân có thể bị quá kích buồng trứng hoặc nhiều bệnh nhân có thể bị đa thai do mình phải chuyển nhiều phôi trong một lần chuyển phôi. Dần về sau những nhà nghiên cứu đã tìm ra được kỹ thuật đông lạnh phôi.

Khi công trình được công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM) đã góp phần làm thay đổi thực hành thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới, tức là không cần thực hiện chuyển phôi tươi tất cả bệnh nhân khi đi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, chúng ta có thể đông lạnh phôi lại và giảm số phôi chuyển xuống, mỗi lần chỉ cần chuyển một phôi. Phương pháp này giảm nguy cơ kích thích buồng trứng, giảm nguy cơ đa thai cho bệnh nhân. Đóng góp tiếp theo cần phải kể đến là việc triển khai thành công kỹ thuật thủy tinh hóa trong thực hiện đông lạnh phôi. Đây là một quy trình kỹ thuật khá mới mẻ nâng cao tỷ lệ sống của phôi sau rã đông, cao đến khoảng 99%. Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh. Công trình này giúp các cặp vợ chồng xác định kiểu chuyển phôi nào để tăng hiệu quả, giảm biến chứng, chi phí và thời gian điều trị.

Thêm một công trình cũng được đánh giá cao để trao giải thưởng năm nay liên quan đến ngành toán học đó là công trình nghiên cứu bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số của PGS.TS. Phạm Tiến Sơn (Đại học Đà Lạt). Với công trình này, TS. Phạm Tiến Sơn đã tập trung vào bài toán tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số, ông đã giải quyết được vấn đề ở cả khía cạnh lý thuyết và ứng dụng. Về lý thuyết, ông đã chứng minh được ba vấn đề quan trọng vốn gây hạn chế của hàm; về ứng dụng, ông chứng tỏ nghiệm tối ưu của hầu hết các bài toán tối ưu đa thức hoàn toàn. Ngoài ra, công trình này còn chỉ ra những giả thiết quan trọng trong tối ưu đều đúng với hầu hết các bài toán tối ưu nửa đại số. Các kết quả của công trình đã được đưa vào sách chuyên khảo Genericity in Polynomial Optimization nằm trong chuỗi các ấn phẩm về chủ đề tối ưu nửa đại số và ứng dụng của NXB World Scientific do giáo sư Jean Bernard Lasserre đề nghị viết.

Giải trẻ năm nay được trao cho TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Đại học Tôn Đức Thắng) là tác giả duy nhất của nghiên cứu “Low-energy electron inelastic mean free path in materials” (Tính chất của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu) được đăng trên Applied Physics Letters. Đây là đề tài rất rộng và chưa có quá nhiều người tìm ra hướng giải quyết triệt để, thế nhưng với nhiều năm kinh nghiệm tích lũy, TS. Hiếu đã tìm được lời giải để xác định quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu. Bài toán này hiện chưa được giải quyết một cách chính xác, bởi vì độ bất định lớn và kém tin cậy của các phương pháp hiện hành. Tuy nhiên, anh đã xác định được bằng cách tính hàm mất năng lượng bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ phụ thuộc thời gian, đây là một phương pháp có độ chính xác cao. Từ lý thuyết, nhà khoa học trẻ Thanh Hiếu tiến hành chứng minh phương pháp của mình trên 10 loại chất rắn khác nhau. Kết quả không chỉ chứng minh được hội đồng xét duyệt của tạp chí, mà còn được giới khoa học chấp nhận qua việc có đến 12 trích dẫn trong nghiên cứu này được dùng ở nhiều tạp chí uy tín thế giới khác.

Nhấn mạnh về ý nghĩa giải thưởng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Sau mỗi lần tổ chức, chất lượng các công trình dự giải thưởng Tạ Quang Bửu đều tăng. Hơn nữa, dù Việt Nam có nhiều giải thưởng, song Giải thưởng Tạ Quang Bửu vẫn có một vị trí nhất định đối với cộng đồng khoa học trong nước cũng như cộng đồng khoa học người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. 

HOÀI PHƯƠNG