Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia ngành nước

- Thứ Ba, 12/10/2021, 14:56 - Chia sẻ
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành nước, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và vận hành công trình cấp nước tại hầu hết các tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch còn nhiều hạn chế, thách thức.

Thị trường tiềm năng nhưng khó tiếp cận

Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện có khoảng 60% dân số cả nước chưa tiếp cận được nước sạch. Ngay tại khu vực đô thị, chỉ có 86% dân cư tiếp cận được với nước sạch, 14% cư dân chưa tiếp cận được nước máy từ hệ thống cấp nước tập trung.

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch CTCP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho biết, sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 12% so với chuẩn thể giới. Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn chỉ đạt 75%.

“Đây là cơ hội lớn cũng như dư địa lớn cho việc tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cấp nước. Các chính sách chủ trương của Nhà nước cũng đã được đưa ra để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư vào ngành nước”, ông Huân nói.

Theo Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp, vai trò quản lý Nhà nước đã được quy định rất rõ trong Nghị định 117 ban hành năm 2017. Vấn đề xã hội hoá đầu tư ngành nước đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Thực tế cho thấy, sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp nước sạch, năng suất lao động cao lên, hiệu quả đầu tư cao hơn, lương tăng hơn, doanh nghiệp có nhiều cơ hội thực hiện các dự án cấp thoát nước.

Các nhà đầu tư rất khó có cơ hội để lấy thông tin dự án một cách minh bạch, công khai để tìm hiểu trước khi đầu tư. Nguồn: ITN

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít thách thức như nguồn vốn, mô hình thực hiện, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là thể chế và cần phải đưa ra được cơ chế để thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp. Cần có sự tổng hợp đánh giá mô hình nào được và chưa được trong thực tế hiện nay của ngành nước, để từ đó lựa chọn được mô hình thích hợp cho cấp thoát nước ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, các doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư vào lĩnh vực nước sạch còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn, vì những công trình cấp nước lớn ở các đô thị đòi hỏi vốn rất lớn nên không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các ngân hàng. Thứ hai, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm về quản lý ngành nước nên khi đầu tư sẽ gặp khó khăn. Thứ ba, là giá nước tại các tỉnh, thành do địa phương duyệt nên giá mỗi nơi là khác nhau dù đã có mức giá trần (nhưng không đạt đến trần). Một khó khăn nữa là hiện nay các nhà đầu tư rất khó có cơ hội để lấy thông tin dự án một cách minh bạch, công khai để tìm hiểu trước khi đầu tư.

Ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh, còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ như chính sách không đồng bộ, thiếu ổn định; thực hiện luật và chính sách không triệt để; không có chế tài xử lý các hành vi sai trái; không có quy hoạch chi tiết và tuân thủ quy hoạch; cơ chế kiểm tra giám sát định kỳ; cơ chế thông tin minh bạch mời gọi đầu tư; nguồn nước và bảo vệ nguồn nước; các doanh nghiệp tư nhân tự do cạnh tranh không lành mạnh trên một khu vực hẹp; khó khăn tiếp cận vốn, tiếp cận công nghệ mới...

Hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút đầu tư

Trưởng ban chính sách hợp tác Quốc tế, Hội Cấp thoát nước Việt Nam Hà Thanh Hằng cho rằng, chủ trương chính sách của Đảng trong xã hội hóa ngành nước đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, muốn tiến hành xã hội hóa cần cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch, bà Hằng nhấn mạnh.

Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Hạ tầng, Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Tiến cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có các quy định liên quan đến cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong việc kinh doanh nước sạch. Nghị định 117/2007/NĐ-CP đã nói rõ khuyến khích đầu tư xã hội hóa. Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về việc sản xuất kinh doanh nước sạch. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo phương pháp đối tác công tư (PPP) có nói đến lĩnh vực nước sạch là lĩnh vực được ưu tiên. Mặt khác, cũng có cả một hệ thống các luật, nghị định, thông tư, quyết định có nội dung liên quan đến khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nước sạch.

Về cấp nước việc xã hội hóa đã và đang làm rất tốt, nhưng xã hội hóa thoát nước lại rất khó vì có đặc thù riêng, đầu tư vào lĩnh vực này yêu cầu vốn lớn, thu về rất nhỏ. Trong khi đó cơ chế chính sách, giá dịch vụ thoát nước trong các quy định hiện hành, đối với các khu vực đô thị và khu vực đã xây dựng hệ thống thoát nước thì thu theo giá dịch vụ thoát nước, còn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải xả trực tiếp chưa xử lý ra môi trường thì thu phí. “Nhiều địa phương đang thu phí nước thải chỉ bằng 10% so với giá nước sạch, như vậy phí này rất thấp”, ông Tiến cho biết.

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch CTCP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân

Ông Nguyễn Quang Huân cũng cho biết, muốn phát triển bền vững cho cả cấp và thoát nước thì thu phải nhiều hơn chi để có đủ tiền trả vốn vay, trả chi phí vận hành bảo dưỡng và tái đầu tư. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với các hệ thống cấp thoát nước cũng rất quan trọng để đảm bảo rằng các doanh nghiệp cấp thoát nước, dù thuộc nhà nước hay tư nhân đều phải bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với tinh thần đạo đức cao nhất. Đặc biệt, chính sách giá, phí là cực kỳ quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

“Việc xây dựng các chính sách về nước sạch thời gian tới phải hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp sản xuất nước sạch, doanh nghiệp cấp nước và quyền lợi của người dân. Ngoài ra, việc đầu tư vào hạ tầng như xây nhà máy nước sạch, mạng lưới đường ống phân phối cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Do đó nếu quản lý không ổn định, phân vùng cấp nước không rõ ràng, trong một vùng cấp nước mà có hai nhà đầu tư thì sẽ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh” - ông Nguyễn Quang Huân cho biết.

Xuân Tùng