Quy định chưa hoàn thiện, đồng bộ
“Bảo tàng muốn đẩy mạnh chuyển đổi số, tuy nhiên, nguồn lực có hạn, trong khi công nghệ rất đắt tiền, ví dụ, hệ thống máy chiếu 3D mapping có giá hàng tỷ đồng, Bảo tàng phải hợp tác mới có công nghệ để tổ chức những trưng bày trình chiếu…” - TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng tiên phong hợp tác với các đơn vị công nghệ; tháng 4.2020, Bảo tàng ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Theo TS. Nguyễn Anh Minh, đây là dự án kết hợp công tư nên ngay từ đầu, hai đơn vị đã phải cam kết rõ ràng về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi mỗi bên trong xây dựng, vận hành và khai thác ứng dụng. "Chúng tôi đàm phán rất kỹ về vấn đề bản quyền sử dụng hình ảnh, ví dụ hình ảnh đưa lên internet phải có logo của Bảo tàng, hoặc kích thước hình ảnh chỉ ở mức độ nhất định… Tuy nhiên, do chưa có quy định pháp luật cụ thể về hợp tác công tư trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong bảo tàng nên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Có những vấn đề thực tế phát sinh sau khi ứng dụng được đưa vào phục vụ như quản lý, vận hành thiết bị, khai thác, quảng bá sản phẩm… đòi hỏi Bảo tàng phải đầu tư nguồn nhân lực và kinh phí để thực hiện”.
Hợp tác công tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng đã được thực hiện tại nhiều nơi, như Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)… Tại Ninh Bình, hợp tác công tư đã thu hút được tiềm lực mạnh mẽ từ các doanh nghiệp địa phương, có sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Dù vậy, theo đại diện Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, mô hình hợp tác công tư còn khá mới trong quản lý và khai thác các giá trị của di sản nên thực tiễn không tránh được một số quy định của pháp luật có liên quan chưa hoàn thiện, đồng bộ; đôi khi còn chồng chéo, mâu thuẫn…
Qua thực tế tại Thừa Thiên Huế và quan sát, tìm hiểu tại nhiều địa phương, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế nhận thấy, “vướng mắc” lớn nhất hiện nay tại các khu di tích là rất khó triển khai hợp tác công tư. Tại Quần thể di tích cố đô Huế, trước kia khai thác dịch vụ đều bên ngoài đấu thầu và đã làm tốt, đơn vị quản lý có quy định và kiểm soát. Nhưng nay tự Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đứng ra làm dịch vụ. Bởi theo quy định pháp luật, khai thác, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, phải xây dựng đề án cho thuê tài sản công, nhưng vấn đề là không định giá được di sản. "Đây là điểm nghẽn lớn”.
Rõ cơ chế, quyền lợi và trách nhiệm
Với mục tiêu phát huy thế mạnh của cả khu vực công và tư trong phát triển kinh tế - xã hội, mô hình hợp tác công tư đã được nhiều nước áp dụng, triển khai và ngày càng phổ biến. Nhiều quốc gia tách hai chức năng: quản lý di sản vẫn thuộc về Nhà nước, nhưng quản trị và khai thác di sản thì giao cho doanh nghiệp. Nhiều di sản thế giới đang vận hành theo mô hình này và đã khẳng định hiệu quả.
Hợp tác công tư không đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, tài nguyên tự nhiên, kinh nghiệm quản trị..., mà cao hơn là cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy giá trị di sản gắn với bảo tồn một cách bền vững. Trong đó, đặt bảo tồn di sản là trung tâm, người dân trong khu di sản là chủ thể, các doanh nghiệp là động lực để biến di sản trở thành tài sản, hướng tới cân bằng bảo tồn và phát triển, có khả năng thích ứng. Người dân, doanh nghiệp vừa có trách nhiệm, vừa có quyền lợi rõ ràng, được hưởng lợi từ di sản, từ đó, cộng đồng sẽ ý thức hơn về những gì mà tiền nhân trao truyền lại.
Trong bối cảnh Luật Di sản văn hóa đang được sửa đổi toàn diện, nhiều ý kiến kỳ vọng sẽ có những quy định tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện xã hội hóa, hợp tác công tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo ông Hoàng Văn Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di sản văn hóa là tài sản công, xử lý như thế nào khi hợp tác công tư là vấn đề Luật cần tháo gỡ, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc "không được phá hỏng di sản".
Điểm c, Khoản 2, Điều 88, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định khuyến khích mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có “xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa”. TS. Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đề nghị cân nhắc điểm này, vì có thể không kiểm soát được dữ liệu…
Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thường không vì mục đích lợi nhuận, khó huy động được các thành phần kinh tế khác tham gia. Vì vậy, nếu Luật quy định cụ thể, rõ ràng cơ chế khai thác, sử dụng di sản trong hợp tác công tư; quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan; hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; cơ chế, chính sách chia sẻ lợi ích công bằng đối với nguồn thu từ di sản văn hóa khi tham gia đầu tư cho di sản văn hóa... sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, từ đó thu hút các nguồn lực, năng lực sáng tạo, chủ động của khu vực tư nhân, sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững.