Khuyến công Ninh Bình hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

- Thứ Sáu, 02/07/2021, 05:20 - Chia sẻ
Trọng tâm của chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 là hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp và xử lý môi trường.
Khuyến công Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng các đề án có trọng tâm, trọng điểm
Nguồn: ITN

Góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp

Giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Ninh Bình thực hiện 237 đề án khuyến công với kinh phí 35,1 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Theo đó, đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho lao động; nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất và chuyển giao công nghệ; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả… 

Riêng năm 2020, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến Thương mại và Phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình hỗ trợ 1 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất vôi bột nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường với kinh phí 270 triệu đồng. Trung tâm cũng phối hợp thực hiện các đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến (máy chạm khắc đá CNC) trong sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ cho Công ty TNHH Mỹ thuật Lương Gia, Công ty TNHH Đá mỹ nghệ Quang Huy Ninh Bình và doanh nghiệp tư nhân Đức Hiền. Với 800 triệu đồng kinh phí khuyến công quốc gia, các đề án này đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp phát triển ổn định đã tạo việc làm, thu nhập cho lao động.

Chuyên xuất khẩu rau quả đóng hộp sang thị trường Nga, Công ty TNHH chế biến nông sản xuất khẩu Vinasam, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, cũng hưởng lợi rất lớn từ chương trình khuyến công. Năm 2020, Công ty được Bộ Công thương hỗ trợ 300 triệu đồng để ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản. Theo đó, đầu tư máy ghép mí tự động 2 đầu ghép với công nghệ tiên tiến, hiện đại, công suất 100 cái/phút tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, năng suất vượt trội. Đại diện Vinasam cho biết, với sự đầu tư hợp lý, công ty đã nâng cao năng lực sản xuất, ký kết thêm nhiều đơn đặt hàng có giá trị, sản phẩm ngày càng được khẳng định trên thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động. 

Cùng với đó, khuyến công Ninh Bình đã hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm; lập quy hoạch chi tiết cho 2 cụm công nghiệp; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 1 khu công nghiệp với tổng kinh phí 5,87 tỷ đồng, trung bình kinh phí hỗ trợ 839 triệu đồng/năm.

Tăng cường sản xuất sạch

Có thể thấy, chương trình khuyến công của tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, từng bước mở rộng quy mô sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn như việc xây dựng kế hoạch và thẩm định để cấp kinh phí khuyến công vẫn còn chậm. Công tác khảo sát, lựa chọn thực hiện, lập đề án và công tác thẩm định dự án khó khăn từ phía doanh nghiệp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên năng lực hoạt động còn hạn chế. Một số nội dung của chương trình chưa thực hiện được hoặc có rất ít các tổ chức và cá nhân tham gia do điều kiện thực tế của địa phương.

Sở Công thương tỉnh Ninh Bình cho biết đã phê duyệt đề án khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí 53,23 tỷ đồng. Các mục tiêu hướng đến là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất sản phẩm công nghiệp đặc trưng và lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, khuyến khích hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường.  

Để hoàn thành các mục tiêu, theo Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình Hoàng Trung Kiên, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, các phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố hướng dẫn xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia, địa phương hàng năm nhằm bảo đảm đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kịp thời để tháo gỡ những khó khăn. Cùng với đó, bảo đảm cân đối bố trí kinh phí đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu hoạt động khuyến công. Sở cũng sẽ tập trung xây dựng các đề án khuyến công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tạo bước chuyển biến rõ rệt cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Sở sẽ cùng tham mưu UBND tỉnh xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động khuyến công phù hợp với điều kiện thực tế từng giai đoạn và nâng cao hiệu quả trong hoạt động.

Hạnh Nhung