Hiệu quả từ đề án khuyến công điểm
Nằm trên hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Kiên Giang có điều kiện rất thuận lợi, một lợi thế gần như tuyệt đối so với nhiều tỉnh, thành phố trong vùng để thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội. Kiên Giang có thềm lục địa và lãnh hải lớn, với ngư trường rộng nên có tiềm năng và lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế biển - đảo trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là du lịch biển (với điểm nhấn Phú Quốc), khu kinh tế và khu đô thị ven biển.
Vùng biển xung quanh đảo Phú Quốc có rất nhiều rong biển và phù du, đây là các loại thức ăn chính của cá cơm nên loài cá này phát triển rất tốt tại đây và mang tới Phú Quốc một nguồn lợi rất lớn để sản xuất nước mắm. Hiện, tỉnh có khoảng 75 cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, trong đó tập trung nhiều nhất ở thành phố Phú Quốc với công suất trên 15 triệu lít nước mắm/năm. Hàng năm, Phú Quốc cung cấp ra thị trường trên 30 triệu lít nước mắm, mang lại doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Không chỉ vậy, nước mắm Phú Quốc đã mang văn hóa của người Việt đi khắp nơi, từ châu Âu đến châu Mỹ.
Hoạt động khuyến công thời gian qua đã hỗ trợ các cơ sở chế biến nước mắm ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại; tham gia hội chợ quảng bá thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ cơ sở đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
Trong giai đoạn 2022 - 2024, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang (Trung tâm) đã thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến nước mắm”. Năm 2022 tổng kinh phí thực hiện đề án là 1,66 tỷ đồng, năm 2023 là 1,49 tỷ đồng - tỷ lệ hoàn thành giải ngân kinh phí 2 năm đều đạt 100%. Năm 2024, tỉnh đang đợi cấp kinh phí để tiếp tục thực hiện.
Theo đánh giá, đề án điểm được triển khai đã tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc lĩnh vực chế biến nước mắm đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm. Góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo; khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm…
Quan tâm bổ sung nguồn kinh phí hàng năm
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Trung tâm cũng cho rằng, các cơ sở chế biến nước mắm có quy mô nhỏ và vừa, sản xuất nhỏ lẻ sẽ khó cạnh tranh vì thiếu các điều kiện cần thiết như: vốn, công nghệ, kỹ năng, quản lý, tiếp cận thị trường… Bên cạnh đó, các rào cản kỹ thuật trong thương mại: như quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sản xuất là một yêu cầu bắt buộc phải có, nhất là các sản phẩm xuất khẩu nên đòi hỏi các cơ sở chế biến nước mắm không ngừng hoàn thiện để đáp ứng.
Lao động làm việc trong ngành khai thác đánh bắt hải sản đang có xu hướng giảm và chuyển dịch sang các ngành có thu nhập cao và ổn định nên ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sản xuất; thực tế nguồn nguyên liệu cá cơm ngày càng suy giảm… Đề án khuyến công quốc gia điểm là đề án mới được triển khai thực hiện nên trong quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn ngân sách cấp cho đề án vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Trước những thách thức trên, để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2024, những tháng cuối năm, Trung tâm cho biết sẽ bám theo kế hoạch sẽ chỉ đạo các viên chức bám sát công việc được phân công để hoàn thành kế hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ chính sách khuyến công nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh theo đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh. Tập trung vào các đề án trọng điểm, đề án nhóm có lợi thế về nguyên liệu vùng của địa phương, thúc đẩy kéo theo các sản phẩm công nghiệp khác phát triển góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh địa phương.
Trung tâm cũng đề xuất Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương quan tâm bổ sung kinh phí khuyến công hàng năm theo như kế hoạch đăng ký nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh, đặc biệt là kinh phí trong năm 2024. Tiếp tục phê duyệt đề án “Hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến sản phẩm từ nông sản, thủy sản giai đoạn năm 2025 -2027”.