Khuyến công Đồng Tháp: Ưu tiên phát triển các ngành nghề, sản phẩm chế biến sâu
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ tiếp tục đồng bộ các giải pháp; trong đó tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở công nghiệp nông thôn trên cơ sở hỗ trợ đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; ưu tiên phát triển các ngành nghề, sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao.
Khuyến công thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp chế biến
Hoạt động khuyến công được xem là nhiệm vụ giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; do đó, để triển khai tốt Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, Sở Công Thương Đồng Tháp đã phối hợp tốt với các sở, ban ngành và các địa phương đã thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến. Mang đến nhiều bước tiến quan trọng trong sản xuất công nghiệp nông thôn, với 17 đề án được triển đến 22 cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn: ITN
Các đề án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến nông sản và cơ khí, tạo ra những sản phẩm có giá trị chế biến sâu từ nguyên liệu địa phương như nước hoa từ hoa sen, sữa bột sen, sữa bột ấu. Các sản phẩm mới trên thị trường như chén dĩa làm từ mo cau, góp phần đa dạng hóa mặt hàng và kéo dài chu kỳ tiêu thụ cho nông sản địa phương. Đây là những điểm sáng mới thúc đẩy hiệu quả sản xuất và nâng cao giá trị kinh tế, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh.
Bên cạnh đó, chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã hỗ trợ tích cực các cơ sở trong việc đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023, có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Đã tổ chức tham gia bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp, qua đó vinh danh 37 sản phẩm tiêu biểu. Ngoài ra, trong năm 2023, Sở tổ chức tham gia 3 đợt hội chợ triển lãm trong nước, góp phần quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương.
Sở Công Thương đánh giá, hoạt động khuyến công trong thời gian qua đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất công nghiệp tại tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Thông qua việc hỗ trợ về vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người lao động. Sự hỗ trợ này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến là ngành thế mạnh của địa phương mà còn góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, việc khai thác tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có cũng được khuyến khích, tạo điều kiện để các sản phẩm đặc trưng của địa phương như sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được phát triển. Sự quan tâm đến việc cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách hỗ trợ là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần vào sự phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Khuyến khích nhân rộng các mô hình chuyển giao công nghệ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Công Thương Đồng Tháp cũng nêu rõ, quá trình triển khai chương trình khuyến công sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực còn ít, tuy có tăng về số lượng nhưng giá trị gia tăng thấp, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến sâu. Các cơ sở công nghiệp nông thôn đa số thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ, hộ cá thể nên gặp khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị mới do nguồn tài chính hạn chế; việc cập nhật công nghệ mới và áp dụng kỹ thuật tiên tiến gặp khó khăn vì thiếu kiến thức, kỹ năng và thiết bị phù hợp.

Đối với công tác phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, nhiều sản phẩm chưa có vùng nguyên liệu ổn định, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nên tính bền vững chưa đảm bảo.
Để tăng cường hoạt động khuyến công trong thời gian tới, Sở Công Thương Đồng Tháp sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công của địa phương, tạo môi trường pháp lý phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành và UBND cấp huyện đối với hoạt động khuyến công trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia vào các chương trình khuyến công, tránh trùng lặp hoặc thiếu sót trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở công nghiệp nông thôn trên cơ sở hỗ trợ đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ưu tiên phát triển các ngành nghề, sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; khai thác tốt các lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý, lao động địa phương để phát triển ngành nghề, sản phẩm phù hợp với lợi thế của tỉnh.
Đẩy mạnh việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ lẻ với các doanh nghiệp lớn, tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn hơn. Điều này giúp tăng cường khả năng cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khuyến khích, nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.