Theo Dự thảo Thông tư, cấu trúc Khung năng lực số bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ với 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia.
3 miền năng lực đầu tiên của Khung năng lực số có thể xác định thông qua các hoạt động cụ thể và thông qua việc sử dụng công nghệ. Trong khi đó miền năng lực 4 và 5 (An toàn và Giải quyết vấn đề) có thể áp dụng vào tất cả các hoạt động được thực hiện thông qua các phương tiện kỹ thuật số. Miền năng lực thứ 6 tập trung về năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh có đạo đức và trách nhiệm.
Các yếu tố của giải quyết vấn đề hiện diện ở tất cả các miền năng lực cụ thể và được xác định là thành tố quan trọng trong việc sử dụng công nghệ và thực hành kỹ thuật số.
Nhiệm vụ khó và rất mới ở Việt Nam
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, nội dung của Thông tư này liên quan tới tất cả người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ những bậc học thấp nhất là mầm non, tiểu học, trung học đến đại học và sau đại học. Do đó, Tọa đàm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ số, xu thế phát triển thời đại sẽ định hình cả về nhu cầu, yêu cầu, cơ hội học tập cũng như việc làm cho tất cả công dân. Hiện nay, Đảng, Chính phủ đã có những chủ trương, quyết sách lớn về chuyển đổi số. Đề án chuyển đổi số trong nền kinh tế quốc dân đang được triển khai một cách sâu rộng.
“Để triển khai thì những yếu tố về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vô cùng quan trọng. Tuy nhiên nếu không có yếu tố nguồn nhân lực thì tất cả yếu tố khác sẽ không đem lại kết quả mong muốn. Chính vì thế, khung năng lực số sẽ là một nền tảng, một khung rất căn bản để định hình những điều chúng ta cần cho thế hệ tương lai của Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Khung năng lực số cho người học có thể hiểu là một hệ thống mô tả các kỹ năng, kiến thức cần thiết của người học để sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả trong học tập, công việc, cuộc sống và xác định mức độ thành thạo về công nghệ số cũng như khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh số hóa.
Khung năng lực số cho người học không chỉ giúp định hướng phát triển kỹ năng số, những kiến thức nền tảng cần thiết mà còn là một chuẩn mực để giáo dục, phát triển những kỹ năng cốt lõi (như tìm kiếm, phân tích thông tin, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện) và giúp chúng ta làm việc được trong môi trường số. Khung năng lực số cũng giúp định hình các phương pháp đánh giá, tự đánh giá; đảm bảo một cách nhất quán và xuyên suốt trong toàn hệ thống.
Đồng thời, chuẩn bị cho thị trường lao động tương lai không chỉ trong nước mà trên toàn cầu. Việc này cũng sẽ giúp khuyến khích học tập suốt đời, tăng cường hiệu quả của quá trình học tập và sáng tạo.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, ý nghĩa của khung năng lực số không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung mà sẽ mở ra một cánh cửa lớn cho sự đổi mới và sáng tạo, giúp các em học sinh, sinh viên trở thành công dân toàn cầu, có năng lực cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, đảm bảo mọi học sinh, sinh viên dù thành thị hay nông thôn, với sự khác biệt về các điều kiện phát triển kinh tế xã hội đều dần tiếp cận và làm chủ được công nghệ.
Bên cạnh đó, khung năng lực số cũng giúp định hướng cho giáo viên, giảng viên trong việc giảng dạy; đảm bảo rằng việc học tập của người học không chỉ đáp ứng nhu cầu của từng học sinh, từng gia đình mà cả yêu cầu của xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
“Nếu chúng ta chỉ xây dựng khung năng lực cho một nhóm người học thì việc xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn không quá khó. Nhưng xây dựng khung năng lực số cho toàn bộ người học trong hệ thống giáo dục quốc dân là câu chuyện hoàn toàn khác, bao gồm cả các bé mầm non, đến người học từ tiểu học, trung học, đại học và sau đại học. Đây là phổ rất dài, rất rộng, phổ quát trên toàn bộ vùng miền của Việt Nam.
Vì thế, nhiệm vụ này rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các Vụ, Cục của Bộ GD-ĐT; các chuyên gia trong ban soạn thảo và tổ biên tập đến từ rất nhiều đơn vị; các cơ sở giáo dục, các Sở GD-ĐT và các doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia đồng hành”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đánh giá đây là nhiệm vụ khó và rất mới ở Việt Nam. Tốc độ tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới không dừng lại, thậm chí ngày một nhanh hơn. Trong khi đó những kinh nghiệm chúng ta đang nghiên cứu hầu hết là kinh nghiệm quốc tế, cũng rất khác biệt giữa các khu vực khác nhau trên thế giới.
“Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, việc đuổi kịp, bắt kịp và làm chủ nó là điều không dễ, trong khi cũng phải làm sao để phù hợp với bối cảnh cụ thể của Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Tìm ra bộ tiêu chuẩn hiệu quả, phù hợp giúp nâng cao năng lực số ở tất cả bậc học
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức trong trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang phát triển “chóng mặt”, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
“Tọa đàm có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận và góp ý về bản dự thảo Khung năng lực số cho người học, nhằm đưa ra một bộ tiêu chuẩn hiệu quả, phù hợp, giúp nâng cao năng lực số cho người học ở tất cả các bậc học, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực số toàn diện cho đất nước”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nói.
Trong kỷ nguyên số hóa, toàn cầu hóa và trí tuệ nhân tạo, năng lực số không còn là một yếu tố bổ sung mà đã trở thành kỹ năng cốt lõi cần thiết để mỗi cá nhân có thể thành công trong hầu hết các lĩnh vực. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã thay đổi căn bản cách chúng ta sống, học tập và làm việc. Tại Việt Nam, với quyết tâm của Chính phủ trong chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, năng lực số của người học đóng vai trò nền tảng để tạo ra lực lượng lao động thông minh và sáng tạo, sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang nỗ lực tiên phong trong việc đưa các kỹ năng số vào chương trình giảng dạy và học tập. Trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai thử nghiệm thành công các phương pháp, công cụ phát triển năng lực số cho sinh viên và giảng viên. Qua đó, thu được những kết quả tích cực trong việc cải thiện khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của người học, cũng như thúc đẩy tư duy sáng tạo và tinh thần hợp tác trong môi trường số.
“Thành công ban đầu này là nền tảng quan trọng để nhà trường tự tin đóng góp vào việc hiện thực hóa Khung năng lực số, nhằm nâng cao trình độ và khả năng thích ứng của sinh viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các đối tác trong việc thúc đẩy phát triển năng lực số trong hệ thống giáo dục”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, PGS.TS Đỗ Văn Hùng, đại diện Ban soạn thảo trình đã báo cáo về cách tiếp cận xây dựng khung năng lực số và định hướng triển khai.
Theo đó, về cơ sở khoa học, Ban soạn thảo cơ bản dựa trên khung trình độ quốc gia 8 bậc để xây dựng khu năng lực số. Bên cạnh đó, dựa vào mô hình năng lực ASK (kiến thức, sự hiểu biết của người người học, kỹ năng, thái độ) và thang đo Bloom với 6 cấp độ đo sự nhận thức. Trước khi đề xuất khung năng lực số, Ban soạn thảo cũng đã tiến hành một khảo sát lớn trên hơn 2.000 sinh viên theo 2 miền năng lực (năng lực số và chuyên sâu về AI) để đối sánh.
Ngoài ra, dựa trên cơ sở thực tiễn từ việc triển khai đào tạo năng lực số cho sinh viên tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng một số cơ sở giáo dục đại học khác như Học viện Ngân hàng sau 2 năm. Các đơn vị này triển khai trên cơ sở tích hợp vào chương trình đào tạo và đưa vào một số môn học cụ thể.
Cần thêm văn bản hướng dẫn chi tiết để các nhà trường triển khai đồng bộ
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị cho người học - tức là người lao động sau này tiếp cận được các nền tảng số trong xu thế thời đại, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Phó Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự vui mừng trước Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ông cho rằng, sau Thông tư này, cần có thêm những hướng dẫn chi tiết để thống nhất trong từng cấp học sẽ học gì, theo miền nào, trình độ nào. Khi đó, các nhà trường trên cả nước mới có một khung thống nhất để dạy. “Nếu chỉ đưa Thông tư mà không có hướng dẫn chi tiết sẽ dẫn đến tình trạng mỗi trường dạy một kiểu, sau này sinh viên từ các tỉnh khác nhau vào học đại học sẽ có em phải học lại, có em lại chưa được tiếp cận”, PGS.TS Hồ Quốc Bằng nói.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, những nội dung này nên tích hợp vào các môn học tại nhà trường, thay vì dạy riêng thành một môn hoàn toàn mới
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với việc ban hành một Thông tư về Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, bởi hiện nay chúng ta vẫn đang sử dụng các kỹ năng số, nhưng lại không hiểu hết được những tính năng, ưu điểm, hạn chế của từng nền tảng.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân, hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành, năm 2025 chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ có tổng rà soát việc thực hiện chương trình. Trong dịp rà soát này, cần có sự sắp xếp lại để phù hợp khi đưa khung năng lực số vào triển khai.
Đại diện một cơ sở giáo dục phát biểu, thầy Hoàng Minh, Hiệu Trưởng Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có một văn bản hướng dẫn hoặc có chương trình chung để các nhà trường trên toàn quốc triển khai đồng bộ. Hiện nay, nhiều địa phương còn khó khăn về điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất cho việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Do đó, cần có sự đánh giá chung để ban hành khung chương trình thực hiện chung cho toàn quốc.
Thầy Hoàng Minh cũng đặt ra băn khoăn, nhiều địa phương đã có chế tài yêu cầu học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học. Bản thân Trường THPT Phú Bài cũng vừa áp dụng và thấy rất hiệu quả trong việc giúp học sinh tiếp thu bài trên lớp tốt hơn.
“Nếu chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giờ học, cho học sinh sử dụng điện thoại thì nên có các chế tài để đảm bảo quá trình tiếp thu bài của các em”, thầy Minh nêu ý kiến.
Bà Phạm Thị Khánh Vy, đại diện Tổ chức Giáo dục FPT cho rằng, khung năng số đã được xây dựng rất cụ thể và là một phản ứng nhanh, phù hợp, thiết thực của Bộ GD-ĐT trong tình hình mới. Tổ chức Giáo dục FPT đang có 150.000 người học từ cấp tiểu học đến đại học, sau đại học nên rất mong chờ Thông tư được ban hành.
Bà Vy cho rằng, khung năng lực số cần có những chỉ số đo rõ hơn để các nhà trường dễ dàng hơn trong việc triển khai thực tế. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn rõ việc sử dụng khung năng lực này trong từng trường hợp cụ thể dành cho giáo viên, học sinh và nhà trường như thế nào; lồng ghép trong môn học như thế nào; minh chứng đánh giá như thế nào,...