Chủ động, linh hoạt, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
- Các tháng cuối năm 2021 và năm 2022 là thời gian Quốc hội Khóa XV tập trung giải quyết nhiều công việc quan trọng, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với nhiều cải tiến, đổi mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động, đặt ra những yêu cầu cao về tiến độ và chất lượng thực thi nhiệm vụ cho Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, kế thừa các kết quả và kinh nghiệm có được, Ủy ban Pháp luật đã đề cao trách nhiệm, tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt triển khai thực hiện các công việc, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Ủy ban đã chủ trì tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức giám sát thành công chuyên đề về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; tổ chức thành công 2 phiên giải trình về việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; về hạn chế yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính (gắn với triển khai thi hành Luật Cư trú). Kết luận, kiến nghị của Ủy ban sau các phiên giải trình có giá trị thực tiễn cao và nhận được sự đồng thuận của các bộ, cơ quan có liên quan.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội tham gia xây dựng Đề án về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Đề án tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 Khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai các Nghị quyết của Trung ương về các nội dung trên và tham gia góp ý nhiều đề án, tờ trình, văn bản khác được Đảng đoàn Quốc hội phân công.
- Tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan, tổ chức thực hiện. Qua một năm thực hiện đã đạt được những kết quả nào? Đâu là điểm nhấn trong quá trình này, thưa ông?
- Theo trách nhiệm được giao, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tập trung giúp UBTVQH theo dõi, đôn đốc triển khai Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15. Qua theo dõi, có thể thấy, kết quả nổi bật nhất là nhận thức của các ngành, các cấp về tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, kỷ luật kỷ cương trong xây dựng pháp luật được nâng lên. Từ khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW và Đề án Định hướng, UBTVQH ban hành Kế hoạch 81, công tác chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế trong các cơ quan nhà nước đã có sự chuyển biến rõ rệt, quyết liệt, quyết tâm hơn và đạt được những kết quả rất tích cực. UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp với nhiều cách làm mới sáng tạo, hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”.
Trong bối cảnh năm 2022 có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan đã rất chủ động, linh hoạt đổi mới phương thức hoạt động, sáng tạo trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Ngoài các kỳ họp thường lệ, Quốc hội đã tiến hành hai kỳ họp bất thường để kịp thời xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách do thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển đặt ra.
Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, chuyên nghiệp trong hoạt động của các cơ quan của Quốc hội
Một đổi mới quan trọng trong năm 2022 là Quốc hội, UBTVQH đã quyết nghị, ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Quy chế làm việc của UBTVQH, các nghị quyết mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu... với nhiều cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động Quốc hội, phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là vai trò trung tâm của các đại biểu Quốc hội. Các văn bản này cùng Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ban hành năm 2021 là những văn bản rất quan trọng nhằm tạo khung khổ pháp lý để vận hành hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH thông suốt, hiệu quả hơn.
- Năm 2022, lần đầu tiên, UBTVQH ban hành Nghị quyết để hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo ông, Nghị quyết này có tác động như thế nào đến thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội?
- Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 được ban hành đã phân định rõ phạm vi giám sát giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban theo lĩnh vực phụ trách và theo phân công của UBTVQH để bảo đảm minh bạch, chặt chẽ, toàn diện trong triển khai thực hiện giám sát, tránh bỏ sót đối tượng giám sát. Tại Nghị quyết này, vai trò của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc giúp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật cũng được xác định rõ và đề cao. Quy trình xử lý văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật qua giám sát phát hiện ban hành chậm, có nội dung trái pháp luật được quy định rõ ràng, chặt chẽ. Đồng thời, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, Nghị quyết giao Văn phòng Quốc hội xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát văn bản quy phạm pháp luật để Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện cập nhật kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Có thể nói, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết là cơ sở quan trọng để bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thời gian qua. Đặc biệt, góp phần thiết thực nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, chuyên nghiệp trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; làm cơ sở để tổng kết, góp phần nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!