Khủng hoảng thừa và thiếu

Nhật Phong 07/06/2012 08:26

Ngay cả những ứng cử viên cho chức vô địch EURO 2012 cũng đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười ở hàng công: kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.

Khủng hoảng thừa

Ở cùng một vị trí có quá nhiều cầu thủ giỏi, mỗi người lại có cái hay riêng chứ không phải là có lối chơi giống nhau để tìm xem ai năng suất hơn. Đau đầu hơn, ai cũng là sao, ai cũng có phong độ tốt và ai cũng có cái lý của mình để đòi được đá chính. Dẫu sao các đội tuyển thừa tài nguyên này còn hạnh phúc chán vì ai cũng giỏi. Rủi một cầu thủ lăn đùng ra chấn thương hoặc bị thẻ phạt vẫn có người đẳng cấp tương tự thay thế. HLV có nhiều lựa chọn (tốt như nhau), đội tuyển có nhiều miếng đánh hơn, mà đối phương cũng khó bắt bài.

Tiêu biểu nhất phải kể đến đội tuyển Hà Lan, nơi tuyến đầu là sự hiện diện của 2 chân sút hàng đầu châu Âu. Một người là Vua phá lưới Bundesliga với 29 bàn, một người là Vua phá lưới giải Ngoại hạng Anh với 30 bàn. Cả 2 đều giỏi, sung sức, mẫn cảm ghi bàn. Một người giỏi hoạt động trong vòng cấm (Huntelaar), một người giỏi hoạt động rộng (Van Persie). Xếp cả 2 trên sân có vẻ khả thi nhưng lại hạn chế nhiều lối chơi của đội và mất cân bằng. Ví dụ, Van Persie có thể đá cánh phải nhưng lại không thể hỗ trợ nhiều cho phòng ngự.

Với đội tuyển Pháp, suất cao nhất trên hàng công là sự ganh đua giữa Benzema và Giroud. Benzema chắc chắn là cái tên nổi trội hơn Olivier Giroud. Tuy Giroud càn lướt tốt hơn, không chiến tốt hơn nhưng CLB Montpellier của anh không danh giá bằng màu áo trắng của Real. Hơn nữa anh cũng không có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Giroud có thể đem lại sự tươi mới cho hàng công nếu HLV Blanc chịu mạo hiểm để Benzema ngồi ngoài.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở đội tuyển Đức. Đẳng cấp của Gomez và Klose như nhau, dùng ai cũng tốt cả, người này mạnh điểm này nhưng lại yếu hơn người kia điểm khác. Xét về lý thì Gomez trẻ hơn, khỏe hơn tất nhiên phải được xếp đá chính, nhưng vấn đề là lão tướng Klose, dù đã 35 tuổi, vẫn nổ súng ầm ầm ở Lazio, và quan trọng hơn là bén duyên trong màu áo đội tuyển (10 bàn ở các giải đấu lớn), ít bỏ lỡ cơ hội hơn, trong khi Gomez thỉnh thoảng vẫn táng bóng ra ngoài khi trước mắt chỉ còn khung thành trống hoác.

Van Persie (17) và Huntelaar của đội tuyển Hà Lan
Van Persie (17) và Huntelaar của đội tuyển Hà Lan

Khủng hoảng thiếu

Dẫu sao thì thừa vẫn tốt hơn là thiếu. Tất nhiên không phải thiếu chân sút. Có hàng tá chân sút để huấn luyện viên lựa chọn nhưng vấn đề là toàn hàng bình bình, không có ai nổi trội để chắc suất đá chính, giúp HLV đỡ đau đầu. Cái hay là mọi người có cơ hội như nhau, nhưng cái dở là đội tuyển không có bộ khung ổn định, còn các chân chuyền thì phải chóng mặt làm quen với nhiều kiểu tiền đạo khác nhau.

Cứ nhìn đội tuyển Anh thì thấy. Duy chỉ có Rooney đạt tầm thế giới, những người còn lại không thể gọi là kém nhưng cũng chẳng lấy làm xuất sắc. Chọn người thay thế Rooney gần như bất khả thi khi Anh chuộng sơ đồ 4 - 5 - 1 với một tiền đạo cắm. Welbeck khả dĩ nhất thì đang chạy đua để hồi phục chấn thương. Nghe có nực cười khi niềm hy vọng lớn lao lại gửi gắm vao Andy Carroll, được coi là món hàng hớ 35 triệu bảng, ghi vỏn vẹn 4 bàn ở Premier League với 8/9 tháng là nỗi thở dài ngao ngán và thậm chí còn không chắc là mình có suất không.

Italy cũng đang có vấn đề khi hàng tiền đạo thiếu một người đáng tin cậy thực sự như Inzaghi ngày trước. Nhìn vào danh sách có Di Natale, đã 35 tuổi; Balotelli, 22 tuổi vừa được gọi là thiên tài vừa bị coi là kẻ gàn dở, sẵn sàng đẩy đội nhà vào cảnh chơi thiếu người vì lối hành xử bốc đồng; Cassano, mới bình phục sau khi mổ tim, không chơi trận nào nửa sau mùa giải; và Giovinco, quá trẻ và chỉ chơi ở Parma.

Đáng kể nhất phải là đội tuyển Tây Ban Nha. Sau khi David Villa chắc chắn ngồi nhà, suất béo bở trên hàng công bỗng dưng trở thành vấn đề nổíi cộm khi chẳng biết ai sẽ đá chính, bởi ai cũng như nhau và đều thiếu một cái gì đó đáng tin cậy như David Villa hay bản năng sát thủ. Torres còn mỗi cái tiếng. Pedro chỉ hay vài ba trận cuối mùa. Negredo, Llorente đều là những tay sát thủ ở La Liga, nhưng chưa chắc đã là gì khi ra châu Âu.

Với Bồ Đào Nha, tiền đạo là nỗi đau của họ bao năm qua, họ luôn thiếu chứ chẳng bao giờ thừa, tức là người gọi để tập trung vẫn có nhưng một người ra tấm ra món thì không. Postiga mới có 2 bàn ở EURO 2004 và 2008. Almeida, Quaresma và Gomez chỉ mang lại những tiếng thở dài.

Các đội bóng lớn đã vậy, các đội tầm tầm thì còn khổ hơn bởi nếu không có tên tuổi đẳng cấp phía trên thì những người còn lại không biết vì sao trở nên bé nhỏ trước khung thành đến tội, dù tất cả đều là cầu thủ giỏi như Thụy Điển với Ibrahimovich, Đan Mạch với Bendtner, Nga với Pavlyuchenko, Ba Lan với Lewandowski, Ukraine với Schevenko, Ireland với Keane, Croatia với Olic...

EURO năm nay quy tụ tất cả cầu thủ tấn công xuất sắc nhất và hứa hẹn sự bùng nổ số lượng bàn thắng. Nhưng từ danh tiếng đến thực tế, từ lý thuyết đến sân cỏ, từ câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia là những câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Nhưng chỗ thừa vẫn thừa mà chỗ thiếu vẫn thiếu, người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khủng hoảng thừa và thiếu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO