Khủng hoảng tài chính châu Á có tiếp tục nổ ra không ?

16/06/2007 00:00

Cách đây mười năm cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ bậc nhất châu Á đã bùng nổ ở Thái Lan, sau đó lan rộng ra khắp khu vực Đông Nam Á và tác động tới toàn thế giới. Một thập kỷ đã trôi qua nhưng liệu các thị trường tài chính châu Á đã có thể gạt bỏ những bất cập bên trong và tiếp tục đi tiếp trên một con đường lành mạnh. Về vấn đề này Tờ Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc đã tổ chức một diễn đàn thảo luận với sự góp mặt của nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành của nước này.

       Nhiều ý kiến cho rằng các cuộc khủng hoảng tài chính có thể lặp đi lặp lại cứ sau 10 năm. Mà tính đến nay, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã được tròn 10 năm. Tuy nhiên giờ đây, khu vực đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm xương máu. Trước hết, người ta phải khách quan nhận ra vai trò của nguồn vốn quốc tế trong cuộc khủng hoảng. Một khi tình hình kinh tế và niềm tin thị trường thay đổi, các quỹ tài chính sẽ thay đổi định hướng và như thế khủng hoảng sẽ trở nên không thể tránh khỏi. Thứ hai, kể cả khi nền kinh tế đang phát triển tốt, người ta cũng không nên quá tự tin mà luôn phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho những trường hợp khẩn cấp hoặc sự cố có thể xảy ra. Và cuối cùng là không nên quá kỳ vọng vào các tổ chức tài chính quốc tế. Cho tới nay, nhiều người vẫn cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á là do sự hỗ trợ quá muộn màng của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế cũng như việc áp đặt các điều kiện cải cách hết sức ngặt nghèo đối với những quốc gia chịu khủng hoảng. 
      Hiện nay một số chuyên gia cho rằng trong năm 2007, chỉ số giá tài chính quốc tế tăng quá nhanh đang là một mối nguy tiềm ẩn cho khủng hoảng tài chính bùng nổ. Bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường tài chính châu Á. Mặc dù trên thực thế, kinh tế khu vực đang tăng trưởng mạnh, sự phụ thuộc vào các nguồn đầu tư nước ngoài lại giảm cộng thêm luồng vốn mới đang chảy vào sau khủng hoảng (theo Viện nghiên cứu Tài chính Mỹ, trong hơn 2 năm qua, có khoảng 200 tỷ USD đã đổ về châu Á) nhưng người ta không thể phớt lờ đi thực tế là hướng đi của dòng chảy vốn này hoàn toàn có thể đảo ngược. Vốn làm cho châu Á và thế giới có mối quan hệ chặt chẽ hơn so với cách đây 10 năm. Thị trường tài chính cũng đã rộng mở hơn và một khi khủng hoảng bùng phát nó sẽ lan rộng nhanh chóng. Thế nhưng mô hình tăng trưởng kinh tế của châu Á  đến nay vẫn không đổi và còn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Vì thế bất cứ khi nào thị trường Mỹ và một số các thị trường bên ngoài nào khác có vấn đề, ngay lập tức châu Á sẽ bị tác động. Sự phát triển bất bình thường của thị trường tín dụng ở Đông Á và sự non nớt của thị trường vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp quá phụ thuộc vào hoạt động đồng tài trợ gián tiếp của ngân hàng thương mại, còn các ngân hàng thương mại lại quá phụ thuộc vào sự bảo lãnh của chính phủ. Điều này dẫn tới sự mở rộng quá mức của tín dụng ngân hàng, từ đó gây ra nhiều khoản nợ xấu. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia ở Châu Á. 
      Hiện nay quy mô của các quỹ nhàn rỗi quốc tế thậm chí còn lớn hơn trước đây và thiếu sự giám sát hiệu quả. Cái thay đổi duy nhất mà đã từng diễn ra cách đây 10 năm là đồng tiền ở Đông Á hiện nay đang lên giá. Sự phát triển của an ninh thị trường vẫn còn thấp và thị trường tài chính vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng. Do dự trữ ngoại hối tăng mạnh, thị trường Đông Á có nhiều quỹ thặng dư hơn thị trường của Mỹ và châu Âu. Về tổng thể, sự mất cân bằng kinh tế đang khiến châu Á trở thành một mắt xích yếu trong hệ thống kinh tế quốc tế.
      Các phân tích cho thấy các nước phương Tây sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái trong những năm sau, sau khi cho phép một lượng lớn tiền nóng rời khỏi khu vực. Liệu điều này có tạo ra một vòng khủng hoảng mới và có tác động lớn tới thị trường vốn mới nổi của châu Á? 
      Vấn đề này được nhìn từ hai phương diện. Một mặt, người ta có thể thấy rằng khả năng xảy ra khủng hoảng đang bị giảm thiểu bởi các nước châu Á đã áp dụng những biện pháp cần thiết để cải thiện hệ thống tài chính, nợ của các doanh nghiệp được tái điều chỉnh và đầu tư quá mức đang được loại bỏ. Khả năng ngăn chặn khủng hoảng tài chính đang tăng lên. Mặt khác, thực tế cũng cho thấy khả năng xảy ra rủi ro đang tăng so với cách đây 10 năm, bởi châu Á đã trở nên mở rộng hơn bao giờ hết, khiến cho quá trình toàn cầu hóa này đầy những hiểm họa.
      Có thể lấy sự tác động của chính sách USD của Mỹ đối với khu vực châu Á làm ví dụ.
Sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đã cho thấy sự yếu ớt của châu Á trong việc đề kháng các tác động. Do vậy sự suy thoái của Mỹ và việc điều chỉnh chính sách sẽ trở thành lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu các nền kinh tế châu Á. Kể cả việc tăng hay giảm giá đồng tiền này đều sẽ gây ra những thay đổi trong định hướng của luồng tiền chảy và sự bất ổn định trong thị trường tài chính. Chẳng hạn, nếu Mỹ áp dụng chính sách đồng USD mạnh và sau một giai đoạn náo động trong thị trường, vốn sẽ chảy ngược trở về Mỹ và làm tồi tệ tình hình kinh tế của những nước như Trung Quốc. 
      Sự ổn định của thị trường tài chính của một quốc gia phụ thuộc vào chính phủ và khả năng về vốn tại giai đoạn nhất định cũng như trong phạm vi nhất định. Đối với các nước châu Á, điều quan trọng là làm sao tìm ra được những chính sách phù hợp để thích nghi trong những hoàn cảnh của riêng mình. Để bình ổn thị trường khu vực, các nước châu Á cũng cần phải củng cố sự hợp tác. Không chỉ là hợp tác giữa các nước châu Á với nhau mà với cả châu Phi và châu Âu, Mỹ Latinh... để duy trì ổn định thương mại. 
      Hiện Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc muốn đẩy nhanh và sâu rộng việc cải cách cấu trúc kinh tế, đồng thời phát huy và mở rộng các nhu cầu nội địa để nâng cao khả năng tránh các rủi ro tài chính. Đó là sự tăng cường hợp tác trong các khu vực tài chính như thành lập ngân hàng phát triển quốc tế Đông Bắc Á, một hệ thống thanh toán và cơ chế trao đổi tiền tệ. Các thực thể kinh tế Đông Á cũng cần cải thiện hệ thống tài chính của riêng mình, nhất là củng cố hệ thống giám sát rủi ro để không bị dựa quá nhiều vào hệ thống ngân hàng...Thậm chí, trong cuộc họp bộ trưởng tài chính của ASEAN+3 gần đây, người ta đã nhất trí đẩy mạnh một quá trình đa phương, trong đó các quốc gia sẽ cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của Thị trường An ninh châu Á.
      Những nỗ lực đó sẽ giúp cho châu lục tránh được bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và ngăn không cho nó quay đầu trở lại.

Thái Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khủng hoảng tài chính châu Á có tiếp tục nổ ra không ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO