UNRWA là gì?
UNRWA được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thành lập vào năm 1949. Ban đầu trách nhiệm của UNRWA chủ yếu hỗ trợ người Do Thái từ nhiều nơi trên thế giới hồi hương sau khi Nhà nước Israel ra đời và hỗ trợ người Palestine sống trong lãnh thổ Israel. Đến năm 1952, LHQ đã chính thức giao trách nhiệm điều hành UNRWA cho Israel và được gia hạn 3 năm 1 lần. Căn cứ theo quyết định này, quá trình điều hành UNRWA của Israel sẽ kết thúc vào ngày 30.6.2026 nếu không được gia hạn thêm.
UNRWA có chức năng cung cấp việc làm, hệ thống giáo dục, mạng lưới chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội và các hoạt động cứu trợ trực tiếp tại 5 khu vực gồm Jordan, Lebanon, Syria, Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem. Theo The Guardian, hỗ trợ dành cho UNRWA phần lớn đến từ các khoản tài trợ trực tiếp của LHQ và sự đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Với nhân lực 30.000 người Palestine, cơ quan này hỗ trợ gần 6 triệu người tị nạn, bao gồm 1.476.706 người tại 8 trại tị nạn ở Dải Gaza và 800.000 người tại Bờ Tây.
Trước chiến tranh, UNRWA đã điều hành gần 400 trường học ở Dải Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng, giáo dục khoảng 350.000 trẻ em và sử dụng 12.000 nhân viên. Trong cuộc xung đột hiện tại ở Dải Gaza, hầu như toàn bộ dân số vùng lãnh thổ này phụ thuộc vào UNRWA về những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nước và vật dụng vệ sinh.
Vì sao Israel thông qua luật cấm UNRWA?
Bất chấp sự phản đối của Mỹ và nhiều quốc gia khác, hôm 28.10, Quốc hội Israel đã bỏ phiếu thông qua hai dự luật nhằm cấm UNRWA hoạt động. Cụ thể, dự luật đầu tiên cấm mọi hoạt động và dịch vụ của UNRWA “trên lãnh thổ Israel”, dự kiến có hiệu lực sau ba tháng; Dự luật thứ hai coi UNRWA là một tổ chức cực đoan, cắt đứt mọi quan hệ giữa nhân viên Chính phủ Israel và UNRWA, cũng như tước bỏ quyền miễn trừ pháp lý của các thành viên cơ quan do LHQ thành lập này.
Theo Times of Israel, hôm 4.11, Bộ Ngoại giao Israel chính thức thông báo với LHQ về quyết định chấm dứt quan hệ với UNRWA và nước này sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế nhằm hỗ trợ người tị nạn Palestine. Trong bức thư được Bộ ngoại giao Israel gửi Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philemon Yang, ông Tel Aviv cam kết sẽ “tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế, bao gồm các cơ quan khác của LHQ, nhằm bảo đảm tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza theo hướng không làm suy yếu an ninh của Israel”.
Từ lâu, Israel đã chỉ trích UNRWA là lỗi thời và việc cơ quan này vẫn tiếp tục hỗ trợ các thế hệ kế tiếp của những người từng phải di dời năm 1948 là trở ngại đối với tiến trình hòa bình. Trong tuyên bố mới nhất, Israel một lần nữa mô tả UNRWA là “một phần vấn đề, chứ không phải giải pháp dành cho Dải Gaza”, đồng thời cáo buộc nhiều nhân viên UNRWA là thành viên Hamas và từng tham gia cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7.10.2023, vốn là nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.
Trong cuộc xung đột hiện tại với Hamas, Israel đã nhiều lần cáo buộc UNRWA tuyển dụng nhân viên là các chiến binh Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng kêu gọi Mỹ, đồng minh hàng đầu của Israel và cũng là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA, cắt giảm hỗ trợ với nhận định cơ quan này “bị Hamas hủy hoại”. Theo một hồ sơ dài 6 trang do Israel cung cấp cho Mỹ, 12 nhân viên UNRWA bị cáo buộc tham gia vào vụ tấn công hồi tháng 10 năm ngoái, bao gồm 9 giáo viên tại các trường học của cơ quan trực thuộc LHQ. Hồ sơ nêu rõ, Israel có bằng chứng cho thấy UNRWA đã tuyển dụng 190 chiến binh Hamas và Jihad Hồi giáo, chiếm 0,64% tổng số nhân viên. Sau khi tiến hành điều tra, UNRWA đã sa thải những nhân viên vướng cáo buộc nhưng phủ nhận việc cố tình hỗ trợ các nhóm vũ trang này.
Thảm họa chồng chất thảm họa
Dải Gaza đang đối mặt với tình trạng thảm họa về nhân đạo, khi số người Palestine tử vong hiện đã vượt quá 40.000. Một báo cáo được công bố hồi tháng 9 phát hiện ra rằng toàn bộ Dải Gaza đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức khẩn cấp, hơn 133.000 người đang phải chịu nạn đói. Nếu giao tranh tiếp diễn và viện trợ nhân đạo tiếp tục bị hạn chế, dự đoán nguy cơ nạn đói lan rộng sẽ xảy ra vào những tháng mùa đông tới.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP), trong những tháng gần đây, ngày càng ít lô hàng viện trợ nhân đạo được chuyển đến Dải Gaza và tháng 9 đánh dấu khối lượng viện trợ thấp kỷ lục. WFP cho biết, họ cần Israel mở thêm nhiều cửa khẩu biên giới để thực hiện các chuyến giao hàng. Hơn nữa, các lệnh sơ tán gần đây của Israel cũng gây trở ngại tới việc cung cấp viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ này. Đặc biệt, các chuyến hàng viện trợ qua cửa khẩu Kerem Shalom dường như đã bị vô hiệu hóa.
Trong khi đó, Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết, UNRWA hiện là đơn vị cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất tại Gaza, cung cấp hơn 15.000 lượt tư vấn mỗi ngày trên khắp Dải Gaza và việc thiếu vắng tổ chức này sẽ dẫn đến nhiều ca tử vong hơn. Các tổ chức phi chính phủ cũng dựa vào UNRWA để phối hợp các hoạt động cung cấp viện trợ và thông báo cho quân đội Israel về hoạt động của các nhân viên cứu trợ. Chẳng hạn, tổ chức Bác sĩ không biên giới dự đoán rằng, việc phối hợp các hoạt động này với chính quyền Israel sẽ trở nên khó khăn hơn và giấy phép vào Gaza có nhiều khả năng bị từ chối bởi lệnh cấm.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Cứu hộ Quốc tế thừa nhận rằng, các tổ chức phi chính phủ khác không thể đảm nhiệm vai trò quan trọng mà UNRWA đã đóng góp tại Dải Gaza, nơi có cơ sở hạ tầng vững chắc và được cộng đồng tin tưởng. Dự luật được thông qua tại Quốc hội Israel sẽ chỉ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo. Quyết định của Israel về mặt lý thuyết dù không tước bỏ quyền hoạt động hỗ trợ người Palestine của UNRWA ở Dải Gaza và Bờ Tây, nhưng trên thực tế nó sẽ có tác động đáng kể đến dòng chảy viện trợ, do Israel hiện kiểm soát toàn bộ cửa khẩu tại Dải Gaza.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Cộng đồng quốc tế đã phản đối mạnh mẽ trước lệnh cấm UNRWA của Israel. Sau khi Quốc hội Israel thông qua dự luật cấm UNRWA, Hội đồng Bảo an LHQ đã có một đồng thuận hiếm hoi khi ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi Israel tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, tôn trọng các đặc quyền, quyền miễn trừ của thành viên UNRWA; cũng như “thực thi trách nhiệm của mình trong việc cho phép, tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo đầy đủ, nhanh chóng, an toàn, không bị cản trở dưới mọi hình thức trên khắp Dải Gaza”. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá, công việc của UNRWA là không thể thiếu và không có giải pháp thay thế nào cho cơ quan này, việc Israel thực thi luật này sẽ gây hậu quả tàn khốc đối với người tị nạn Palestine tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Tổng Giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini cũng đã chính thức lên tiếng và cho rằng, động thái của Israel sẽ “làm sâu sắc thêm nỗi đau khổ của người Palestine, đặc biệt tại Dải Gaza”, đặt ra “tiền lệ nguy hiểm”, đi ngược tinh thần Hiến chương LHQ và vi phạm các nghĩa vụ của Nhà nước Do thái theo luật quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng, lệnh cấm sẽ tước đoạt quyền được giáo dục của hơn 650.000 trẻ em, đồng nghĩa với việc gây nguy hiểm cho cả một thế hệ tương lai.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller bày tỏ “sự lo ngại” trước lệnh cấm nói trên của Israel đối với hoạt động của UNRWA, đánh giá động thái này của Israel “gây rủi ro cho hàng triệu người Palestine” đang phụ thuộc vào UNRWA để được hưởng các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng lo ngại lệnh cấm của Israel có nguy cơ khiến công việc thiết yếu của UNRWA “trở nên bất khả thi”, gây nguy hiểm cho toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế tại Dải Gaza cũng như việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục thiết yếu ở Bờ Tây.