Khủng hoảng kinh tế đảo ngược dòng chảy chất xám

Ngọc Nhàn
Theo CS Monitor
25/11/2012 09:10

Làn sóng chất xám từ các nước đang phát triển sang các nước công nghiệp bắt đầu có xu hướng chảy ngược lại: từ Mỹ, châu Âu trở về châu Á, Mỹ Latin, Đông Âu và châu Phi, cuốn theo cả những chuyên gia và lao động có tay nghề. Xu hướng này mở thêm cơ hội cho các nền kinh tế năng động.

Khủng hoảng kinh tế đảo ngược dòng chảy chất xám ảnh 1
Nguồn: The People Speak

Chảy máu chất xám được coi là căn bệnh đe dọa sự phát triển của các nước nghèo. Trong nhiều năm, hàng triệu trí thức, lao động có tay nghề từ Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay châu Phi đã rời bỏ quê hương để đi tìm cơ hội ở các nước giàu, nhiều khi họ phải chấp nhận làm những công việc thuần túy chân tay. Theo một báo cáo của Quỹ Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDF), khoảng 75% lao động nhập cư chuyển đến sống ở các nước có trình độ phát triển cao hơn quê hương họ. Thế nhưng, hiện nay một bộ phận lớn người lao động di cư không coi thế giới hiện đại là nơi mang lại cho họ nhiều cơ hội nữa, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt đầu từ năm 2008.

Các nền kinh tế mới nổi không chỉ kháng cự suy thoái tốt hơn nhiều thế giới phát triển mà còn tiếp tục tăng trưởng. Đó chính là động lực hút dòng lao động di cư về những nước này, và trong nhiều trường hợp, cả những người Mỹ và châu Âu có trình độ cao. Theo ông Demetrios Papademetriou, Chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách di cư, một cơ quan phi lợi nhuận đặt tại Mỹ, xu hướng này cho thấy thế giới đang diễn ra một quá trình “dân chủ hóa tài năng”, kiến thức không còn là độc quyền của bất cứ quốc gia nào.

Trung Quốc có số người di cư lớn nhất, khi nền kinh tế nước này cất cánh và trở thành cường quốc toàn cầu, Chính phủ đã tìm cách thúc đẩy việc thu hút hàng triệu Hoa Kiều từ khắp nơi trở về. Ưu dãi dành cho trí thức gốc Hoa hồi hương hấp dẫn hơn bất cứ ở nước nào khác trên thế giới và ngày càng tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc xác định thu hút nhân tài hải ngoại là quốc sách, một trong những con đường ngắn và quan trọng nhất giúp họ chiếm lĩnh đỉnh cao công nghệ và đưa nền kinh tế lên ngang bằng trình độ các nước phát triển. Năm 2008, Chính phủ nước này đề ra chương trình “1.000 tài năng”, ưu đãi đặc biệt các nhà khoa học và quản lý hàng đầu, như tặng 150.000 USD tiền mặt, cung cấp miễn phí văn phòng, nhà ở, cho con cái học ở những trường tốt nhất. Ít nhất 150.000 người đã về nước theo chương trình này.

Tại châu Mỹ, Brazil cũng nỗ lực thu hút di dân hồi hương và cả những người châu Âu có trình độ cao. Số người nước ngoài sống và làm việc hợp pháp ở quốc gia lớn nhất Mỹ Latin này đã tăng hơn 50% từ năm 2010 đến tháng 4.2012, trong đó một bộ phận lớn là người Bồ Đào Nha, biến Brazil thành nước nhập cư sau nhiều năm là nơi xuất phát của dòng người di cư. Từ năm 2005 - 2010, dân số Brazil sống ở nước ngoài đã giảm từ 4 triệu xuống còn 2 triệu người.

Chảy máu chất xám từng là yếu tố kìm hãm các nước châu Phi, bắt đầu từ cuộc di dân ồ ạt vào thập kỷ 1960. Hiện nay, rất nhiều người từng phải xa xứ nay kéo về nước do bị hấp dẫn bởi rất nhiều cơ hội do sự phát triển kinh tế mạnh mẽ mấy năm gần đây tạo ra. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 6 trong số 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới từ năm 2001 - 2010 là ở châu Phi. Từ năm 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế trung bình của lục địa đen dự kiến sẽ vượt châu Á. Sự trở về của trí thức và lao động có tay nghề góp phần tăng cường ổn định chính trị và tạo ra một thị trường năng động đi cùng với sự chuyển giao công nghệ. Manny Aniebonam, sáng lập viên mạng lưới cựu sinh viên di dân Nigeria, ước tính số người Nigeria hồi hương nhiều gấp đôi số người di cư ra nước ngoài. Tại Nam Phi, từ năm 2004 đến nay có khoảng 6.000 người có tay nghề cao về nước làm việc.

Ngay cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có trình độ phát triển kém hơn, từng phải chịu mất mát chất xám sau khi gia nhập tổ chức này, nay lại hy vọng rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ giúp họ lôi kéo trí thức về nước. Năm 2004, khi Ba Lan trở thành thành viên EU, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đã sang Anh và Ireland, sẵn sàng làm nghề phổ thông vì không có lựa chọn nào khác. Còn nay thì một dòng chảy ổn định đã về nguồn để tranh thủ cơ hội đang nảy nở ở nền kinh tế năng động.

Tiếp nhận dòng chảy lao động hồi hương và di cư đòi hỏi những trách nhiệm và chính sách nghiêm túc để tránh nhiều vấn đề nảy sinh, như lạm dụng lao động bất hợp pháp hay kích động làn sóng bài ngoại và gây ra những tác động xã hội nhất định. Tuy vậy, với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Ba Lan hay nhiều nước châu Phi, thiệt hại này nhỏ so với lợi ích từ sự trở về của dòng chất xám và không thể đo bằng số việc làm do họ tạo ra hay trình độ cá nhân.

Trong khi đó, những nước phát triển bị mất đáng kể nguồn nhân lực chất lượng, sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh. Ông Papademetriou cho rằng, dòng chất xám ngược đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Sắp tới, số công ty công nghệ mới tại Mỹ sẽ giảm, còn ở châu Á và Mỹ Latin sẽ tăng lên. “Từ trước đến nay, Mỹ chưa bao giờ chứng kiến sự chảy máu chất xám. Họ tự hào là vùng đất để nhập cư, chứ không phải để ra đi”, ông Papademetriou nói. Nhưng nay xu hướng này đã dần thay đổi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khủng hoảng kinh tế đảo ngược dòng chảy chất xám
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO