Thế giới 24h

Khủng hoảng giá gạo tại Nhật Bản: Khi bữa cơm trở thành phép thử đối với an ninh quốc gia

Ngọc Minh 05/05/2025 17:24

Gạo - biểu tượng văn hóa và món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm Nhật Bản - đang ngày càng trở nên xa xỉ đối với nhiều hộ gia đình. Từng tự hào là quốc gia có khả năng tự túc lương thực ổn định, Nhật Bản hiện lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nội địa mà nguyên nhân không đến từ thiên tai hay chiến tranh, mà từ chính những chính sách nông nghiệp thiếu linh hoạt kéo dài hàng thập kỷ.

uni2017.jpg
Nguồn: savorjapan.com

Giá gạo leo thang, phản ứng chậm trễ

Theo EAF, tính đến tháng 3/2025, giá gạo tại Nhật đã tăng tới 94% so với cùng kỳ năm trước — mức cao nhất trong vòng 50 năm. Không ít siêu thị tại các đô thị lớn ghi nhận tình trạng thiếu hàng cục bộ, làm gia tăng lo ngại trong xã hội và tạo áp lực lớn lên đời sống người dân. Suốt năm 2024, giá gạo đã tăng 64%, góp phần đẩy lạm phát cơ bản lên 3,2%. Hệ số Engel - chỉ số phản ánh tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm trong tổng thu nhập hộ gia đình - cũng tăng vọt lên 28,3%, cho thấy gánh nặng lương thực đang đè nặng lên ngân sách sinh hoạt của nhiều gia đình.

Cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn khi các cơ quan chức năng phản ứng chậm trễ. Sau đợt nắng nóng nghiêm trọng mùa hè 2024 làm ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng lúa, nhiều cảnh báo đã được đưa ra, song các biện pháp điều chỉnh từ Chính phủ lại chưa được thực thi kịp thời. Ước tính khoảng 1 triệu tấn gạo trong kho dự trữ quốc gia vẫn bị "đóng băng" trong suốt giai đoạn thị trường thiếu hụt, dẫn đến tình trạng giá cả leo thang không kiểm soát. Trước thực trạng đó, nhiều người tiêu dùng đã tìm đến các lựa chọn thay thế như gạo nhập khẩu từ Hàn Quốc, dù phải chấp nhận các thủ tục kiểm dịch phức tạp.

Chính sách nông nghiệp thiếu linh hoạt?

Gạo từng là trung tâm của chính sách quốc gia trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản - từ thời Edo (1603 - 1868) đến thời Minh Trị (1868 - 1912). Những cuộc nổi loạn do thiếu gạo, như vụ Kome Sodo năm 1918, đã để lại bài học sâu sắc về vai trò sống còn của an ninh lương thực. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XXI, khi thói quen tiêu dùng thay đổi, mức tiêu thụ gạo trung bình đầu người đã giảm từ 118 kg vào năm 1962 xuống còn 50,9 kg vào năm 2022.

Theo nhiều nhà quan sát, căn nguyên sâu xa của cuộc khủng hoảng gạo hiện nay được cho là bắt nguồn từ chính sách nông nghiệp lỗi thời - đặc biệt là chương trình gentan, được triển khai từ thập niên 1970. Theo đó, Chính phủ khuyến khích nông dân cắt giảm diện tích trồng lúa nhằm duy trì giá gạo ở mức cao. Chính sách này được thiết kế để bảo vệ thu nhập cho các hộ nông dân nhỏ lẻ trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, đồng thời ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị. Mặc dù được tuyên bố chính thức chấm dứt vào năm 2018, trên thực tế, việc hạn chế sản xuất vẫn tiếp tục âm thầm tồn tại, với sự hậu thuẫn của các tổ chức như Liên hiệp Nông nghiệp Nhật Bản (JA) và Bộ Nông nghiệp.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng nếu dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản sản xuất, Nhật Bản có thể nâng gấp đôi sản lượng gạo hiện tại, đạt mức 17 triệu tấn mỗi năm - đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, hệ thống hiện nay lại duy trì mức giá cao một cách cố ý, trong khi các hệ thống lương thực toàn cầu đang trở nên mong manh hơn. Hệ quả là một nghịch lý đáng lo ngại: nông dân gặp khó khăn trong sinh kế, người tiêu dùng oằn mình vì giá cả.

Với tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực chỉ đạt 38% vào năm 2023 - mức thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển - Nhật Bản ngày càng dễ bị tổn thương trong một thế giới mà rủi ro gián đoạn nguồn cung thực phẩm đang gia tăng. Vị trí địa lý là quốc đảo càng làm nổi bật nguy cơ khi phần lớn thực phẩm nhập khẩu phải phụ thuộc vào các tuyến hàng hải dễ bị gián đoạn trong khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, việc duy trì chính sách nông nghiệp dựa trên lợi ích kinh tế cục bộ thay vì mục tiêu an ninh lương thực đang đặt đất nước vào thế bị động.

Nhật Bản, quốc gia thịnh vượng và công nghệ tiên tiến, đang đứng trước một bài toán hóc búa: làm thế nào để bảo vệ những giá trị thực sự thiết yếu, như bữa cơm hàng ngày, trong một thế giới ngày càng bất ổn. Đây không còn là câu chuyện của nông nghiệp, mà là một phần của chiến lược an ninh quốc gia đòi hỏi sự nhìn nhận lại một cách toàn diện và dứt khoát.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khủng hoảng giá gạo tại Nhật Bản: Khi bữa cơm trở thành phép thử đối với an ninh quốc gia
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO