Khủng hoảng chưa kết thúc

Ngọc Khánh 05/03/2019 08:01

Căng thẳng leo thang tại biên giới giữa Ấn Độ - Pakistan trong tuần qua đã đưa điểm nóng Kashmir trở lại tâm điểm chú ý của dư luận, trong bối cảnh cả New Delhi và Islamabad không ngần ngại trả đũa lẫn nhau. Mặc dù tình hình hiện đã tạm lắng, song giới quan sát lo ngại, đối đầu căng thẳng giữa hai nước có thể vượt quá kiểm soát.

Giao tranh bùng phát

Đụng độ bùng phát trở lại ở biên giới Ấn Độ và Pakistan vào đêm 1.3, rạng sáng 2.3, làm ít nhất 6 dân thường và 2 binh sĩ Pakistan thiệt mạng. Hãng tin AP cho biết, binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đã nhắm mục tiêu vào các ngôi làng và đồn kiểm soát của nhau dọc Đường kiểm soát (LoC) đầy biến động tại khu vực tranh chấp Kashmir. Trong khi đó, cảnh sát Ấn Độ cho hay, đạn pháo do binh sĩ Pakistan nã sang khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã làm 3 dân thường thiệt mạng.

Trước đó, căng thẳng leo thang tại khu vực này sau khi New Delhi ngày 26.2 tiến hành không kích sang phần lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát, nhằm vào một trại huấn luyện của Jaish-e-Mohammad (JeM), nhóm khủng bố nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom tự sát ngày 14.2 tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, làm 44 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Đáp trả, quân đội Pakistan đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Mig-21 của Ấn Độ và bắt sống phi công.

Máy bay của Ấn Độ bị Pakistan bắn hạ ngày 27.2
Máy bay của Ấn Độ bị Pakistan bắn hạ ngày 27.2

Vụ việc đánh dấu sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng Nam Á kể từ năm 1999 - lần gần đây nhất hai bên đưa quân vào lãnh thổ của nhau. Trong lần xung đột tại Kargil cách đây 20 năm, biệt kích Pakistan xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ nhằm tái chiếm một thung lũng mà chính phủ Islamabad cho rằng phải thuộc về Pakistan theo đúng Hiệp định năm 1947. Cũng trong năm 1999, Ấn Độ đã bắn hạ máy bay hải quân của Pakistan, khiến toàn bộ phi hành đoàn gồm 16 người thiệt mạng.

Việc Pakistan trả tự do cho Abhinandan Varthaman, phi công điều khiển chiếc Mig-21 của Ấn Độ bị lực lượng không quân Pakistan bắn rơi ngày 27.2, được xem là “cử chỉ hòa bình” từ phía Islamabad, có thể giúp khép lại khủng hoảng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á. Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn khẳng định, Ấn Độ sẵn sàng đưa ra phản ứng cứng rắn trước bất kỳ hành động khủng bố nào từ phía Pakistan. Các nhà phân tích lo ngại, căng thẳng có thể tái bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng tiếp theo.

Nguy cơ xung đột

Kể từ khi bị chia cắt năm 1947, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan luôn trong tình trạng đối đầu, có lúc bên bờ vực xung đột. Những vụ nổ súng giữa hai phía dọc LoC phân cách ở khu vực tranh chấp Kashmir vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, kể từ khi hai nước thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân trong giai đoạn cuối thập niên 1990, chưa bao giờ Ấn Độ và Pakistan cho chiến đấu cơ xâm phạm vùng trời của đối phương. Giới quan sát cho rằng, điều này đã thay đổi sau vụ đánh bom khủng bố ngày 14.2, mồi lửa chính làm bùng phát căng thẳng lần này.

Các nhà phân tích cho biết, các chiến dịch không kích của Ấn Độ trong vụ leo thang căng thẳng vừa qua đã vượt ra khỏi vùng tranh chấp ở Kashmir, tiến sâu vào không phận Pakistan. Điều này cho thấy, New Delhi sẵn sàng có hành động phủ đầu. Đợt không kích này cũng cho thấy, New Delhi chấm dứt giai đoạn tự kiềm chế và sẵn sàng tấn công nhằm vào các mục tiêu nằm xa tuyến LoC giữa hai nước. Mục tiêu không kích mà viên phi công Varthaman nhận được không nằm tại khu vực Kashmir, mà nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan và chỉ cách Thủ đô Islamabad khoảng 100km. Trong khi đó, với hành động bắn rơi Mig-21, Pakistan cũng tỏ rõ việc sẵn sàng đáp trả tương xứng.

Theo các nhà phân tích, điều đáng lo ngại là mặc dù Pakistan khó có thể sánh kịp Ấn Độ về tiềm lực quân sự, song Islamabad có thể không ngần ngại sử dụng học thuyết hạt nhân cho phép tấn công phủ đầu trong trường hợp xung đột nổ ra. Về phương diện này, Pakistan không hề thua kém đối thủ. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) năm 2018, Pakistan nắm trong tay từ 140 - 150 đầu đạn hạt nhân, trong khi Ấn Độ sở hữu 130 - 140 đầu đạn. Trong bối cảnh đó, cuộc đối đầu âm ỉ giữa hai nước láng giềng Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân có thể đẩy hai bên đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Kiểm soát khủng hoảng

Trong bối cảnh nguy cơ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan gia tăng và vượt quá kiểm soát, giới quan sát kêu gọi, Mỹ và các cường quốc khác, trong đó có Nga và Trung Quốc, cần tích cực đóng vai trò kiểm soát khủng hoảng nhằm ngăn Islamabad và New Delhi khỏi hành động leo thang căng thẳng.

Trong quá khứ, hai quốc gia Nam Á từng vài lần xảy ra đối đầu quân sự như cuộc xung đột Kargil năm 1999 hay xung đột biên giới 2002, và các Tổng thống Mỹ thường dùng đến ngoại giao cá nhân để thuyết phục. Căng thẳng cũng từng bùng nổ năm 2008, khi nhóm phiến quân Lashkar-e-Toiba (LeT) tại Pakistan xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ và tiến hành vụ đánh bom khủng bố tại thành phố Mumbai, làm 166 người thiệt mạng. Tại thời điểm đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã sang New Delhi kêu gọi chính quyền Ấn Độ không thực hiện hành động đáp trả mạnh mẽ, vốn đã được lên kế hoạch; đồng thời yêu cầu phía Islamabad hợp tác điều tra vụ việc một cách đầy đủ, minh bạch.

Các nhà phân tích cho hay, hiện chưa chắc Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Ngoại trưởng Mike Pompeo có đủ khả năng làm vậy. Ảnh hưởng của Mỹ cũng giảm đi khi Chính quyền Donald Trump bỏ bê khu vực và tập trung vào vấn đề tại Venezuela, CHDCND Triều Tiên hay Iran. Trong khi vai trò quốc gia quyền lực trung lập của Mỹ suy giảm thì Trung Quốc đạt được mức độ ảnh hưởng ngoại giao với Pakistan chưa từng có trong hai thập niên vừa qua. Cường quốc châu Á cung cấp cho Islamabad khí tài quân sự, công nghệ lẫn thiết bị hạt nhân và tên lửa, hàng tỷ USD đầu tư nhiều dự án chiến lược. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh vẫn chưa thể hiện được họ có ảnh hưởng ngoại giao mang tính quyết định. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, nhằm giải quyết khủng hoảng hiện nay, sẽ là sai lầm nếu chỉ tìm kiếm giải pháp  cho vấn đề chống khủng bố, mà cần giải quyết  vấn đề gốc rễ là tranh chấp Kashmir. Vì vậy, Mỹ và nhiều nước đã hối thúc Ấn Độ - Pakistan sớm nối lại các cuộc đối thoại toàn diện nhằm giải quyết mọi vấn đề tồn đọng giữa hai bên.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khủng hoảng chưa kết thúc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO