Khúc mắc mới trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Hải Nguyễn 08/09/2012 08:38

Ngoài những khó khăn cố hữu, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã xuất hiện những khúc mắc mới trong những tháng cuối năm.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 8 ước đạt 2,35 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng này 8 tháng năm 2012 lên 18,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Song giá xuất khẩu đa số các mặt hàng đều có xu hướng giảm, đặc biệt là gạo.

Ngoài những khó khăn cố hữu, đã có những khúc mắc mới.

Nguồn tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, ngay sau khi phía Nhật dỡ bỏ lệnh kiểm tra 30% các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về Ethoxyquin thì chỉ trong vòng 1 tuần, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã liên tiếp phát hiện 2 lô tôm khác của doanh nghiệp Việt Nam nhiễm dư lượng chất cấm này. Sau đó, Nhật Bản đã phục hồi việc kiểm soát các lô hàng thủy sản nhập khẩu của Việt Nam về Ethoxyquin lên 30% rồi 100% cho tới thời điểm hiện nay. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm rất lo lắng về thiệt hại nếu lô hàng xuất khẩu bị trả về. Bởi mỗi lô tôm xuất khẩu trước khi rời cảng Việt Nam đã phải tốn không ít tiền cho các công ty kiểm định để lấy mẫu ngẫu nhiên. Khi hàng đến Nhật Bản, chịu sự kiểm tra toàn bộ lô hàng thì vẫn có rủi ro rất lớn. Nếu bị phát hiện nhiễm chất Ethoxyquin thì lập tức lô hàng sẽ bị trả về, doanh nghiệp sẽ chịu toàn bộ chi phí lô hàng, phí kiểm định, thủ tục, cước phí vận tải… với con số lớn hơn gấp 4 – 5 lần so với tiền lãi nếu bán được hàng.  Rủi ro lớn như vậy, nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho rằng, với quy định này thị trường Nhật Bản đã hầu như đóng cửa đối với họ. Theo thống kê của Vasep, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam nửa đầu tháng 8.2012 sang Nhật Bản đã giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2011, xuống 21,9 triệu USD; sang Mỹ giảm 26,6% so với cùng kỳ, xuống còn 26,6 triệu USD, và đi EU giảm đến 27,7% chỉ còn 12,5 triệu USD.

Trung Quốc được xem là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản đầy tiềm năng của Việt Nam nhưng cũng đầy thách thức trong những tháng cuối năm. Nhịp độ xuất khẩu hàng Việt sang Trung Quốc tại các tỉnh giáp biên đã giảm từ tháng 3 đến nay, giao dịch thời điểm này khá trầm lắng. Tình hình này được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết tháng 10 tới. Nguyên nhân chủ yếu là do phía Trung Quốc tăng cường giám sát, chống buôn lậu, kiểm tra kiểm dịch (thường gọi là cấm biên). Trung bình mỗi năm phía Trung Quốc có 1 – 2 đợt tăng cường như vậy, mỗi đợt kéo dài từ 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, năm nay đợt tăng cường này kéo dài từ tháng 4 đến nay và dự kiến còn kéo dài đến tháng 10 năm nay.

Cùng với đó, tình hình doanh nghiệp phá sản hay chờ phá sản chưa dừng lại. Trong số này hẳn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Lãi suất vay được kéo xuống, nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận, vả lại kho hàng còn đầy ứ, dù nợ cũ được khoanh, cũng không dám vay mới để sản xuất.

Trung tâm Thông tin Thương mại, Bộ Công thương nhận định, xu hướng giảm lãi suất cho dù đã kéo dài liên tục từ đầu năm 2012 đến nay nhưng vẫn chưa có tác động thực sự rõ nét đối với nền kinh tế do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc hấp thụ nguồn vốn. Tuy nhiên, các chính sách vĩ mô thường có độ trễ từ 3 - 6 tháng, do đó kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp sản xuất kể từ giữa quý III và quý IV.2012, khi đó nhiều khả năng tăng trưởng của kim ngạch xuất, nhập khẩu sẽ vững vàng hơn. Dự báo kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong quý 3 sẽ tăng khoảng 2% lên trên 5,9 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 3 quý năm 2012 lên gần 16,4 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Để xuất khẩu 26,5 tỷ USD nông, lâm, thủy sản trong năm nay, những tháng cuối năm, đại diện thương mại ở nước ngoài cần kịp thời phát hiện cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng, những tin bất lợi đối với xuất khẩu Việt Nam, để chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải tỏa. Các cơ quan chức năng cần hợp sức giải quyết thanh thoát tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan thuận lợi, giảm chi phí bến bãi, kho tàng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khúc mắc mới trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO