Khúc dạo trường ca thắng Mỹ

Đại tá, Ts Nguyễn Huy Thục 30/04/2014 08:54

Đối với thực dân Pháp, Điện Biên Phủ là đòn knock-out, nhưng với đế quốc Mỹ, Điện Biên Phủ lại là điểm khởi phát của những vấn đề mang tầm chiến lược. Còn với nhân dân Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là khúc nhạc dạo cho bản trường ca thắng Mỹ 20 năm sau.

Tranh của Nguyễn Văn Trung
Tranh của Nguyễn Văn Trung

Đòn phủ đầu đau đớn

Pháp và Mỹ là những đại diện tiêu biểu cho hai chính sách xâm lược thuộc địa (thực dân cũ và thực dân mới) của chủ nghĩa đế quốc ở vào hai thời đoạn khác nhau trong lịch sử thế giới cận đại và hiện đại. Ra đời muộn, được thừa hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của nhân loại, đồng thời không bị thiệt hại trong hai cuộc Thế chiến, nên Mỹ nhanh chóng trở thành đầu sỏ của phe đế quốc chủ nghĩa. Để tìm cách “giành” quyền kiểm soát các khu vực chiến lược trên thế giới từ tay các đồng minh, Mỹ quyết định sử dụng thế mạnh kinh tế và quân sự để từng bước thực hiện mưu đồ chiến lược của mình. Một trong những mục tiêu đầu tiên mà Mỹ hướng tới là Đông Dương, trọng điểm là Việt Nam. Sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương được bắt đầu bằng việc ủng hộ Pháp quay trở lại thuộc địa cũ; tiếp đó, cung cấp viện trợ cho Pháp: nếu năm 1950 mới chỉ là 150 triệu USD thì đến năm 1951 đã lên tới 350 triệu USD. Đến năm 1952, Mỹ đã gánh tới 40% tổng ngân sách cuộc chiến cho người Pháp. Đồng thời với viện trợ ngân sách là đội ngũ chuyên gia, cố vấn Mỹ đủ loại nằm ngay trong Bộ chỉ huy quân Pháp, trực tiếp tham vấn những vấn đề chiến lược, chiến thuật, xử lý tình huống phát sinh trong tác chiến và thậm chí là điều binh, khiển tướng trong những thời điểm có tính quyết định.

Được sự hà hơi, tiếp sức của Mỹ, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương - tướng Salan tập trung lực lượng cơ động chiến lược để ngăn chặn phong trào chiến tranh du kích đang phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên khắp chiến trường. Tuy nhiên, mọi cố gắng của quân Pháp đã không mang lại kết quả. Trong đợt tác chiến Thu - Đông 1952, trên hướng chính Tây Bắc, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.000 tên địch; tạo ra sự thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta.

Nhằm xoay chuyển tình hình, được sự chấp thuận của Mỹ, chính quyền Pháp đưa tướng Navarre sang thay tướng Salan làm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương (21.5.1953). Được sự hậu thuẫn của các cố vấn Mỹ, trong kế hoạch tác chiến của mình, Navarre nuôi những tham vọng lớn và xác định: từ giữa 1953 đến giữa 1954, tránh giao chiến với quân chủ lực của đối phương, mà tập trung vào việc tổ chức quân đoàn tác chiến mạnh; từ giữa 1954 trở đi sẽ tiến hành tiến công rộng khắp để giành lại thế chủ động chiến trường.

Cũng phải thấy rằng, năm 1953, cuộc chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc với bất phân thắng bại, Mỹ lúc này càng có điều kiện để tập trung can thiệp sâu hơn nữa vào cuộc chiến tranh Đông Dương; đặc biệt là tìm cách nắm bắt các chính quyền bản xứ do Pháp dựng lên ở Việt Nam, Lào và Campuchia - chuẩn bị cho kế hoạch nhảy vào thay thế Pháp khi có thời cơ. Để chuẩn bị dư luận, Tổng thống Mỹ công khai tuyên bố “Mỹ phải chống Cộng sản ở Đông Dương. Nếu Cộng sản thắng lợi thì Đông Nam Á sẽ thoát khỏi vòng thế lực của Mỹ và Mỹ sẽ mất nguồn nguyên liệu quý báu như cao su, chì, thiếc...”. Hiện thực hóa tuyên bố trên, ngày 10.4.1953, Mỹ trao cho Pháp khoản viện trợ “đặc biệt” 385 triệu USD. Nhiều chuyến tàu chở vũ khí và phương tiện chiến tranh của Mỹ nhanh chóng đến Đông Dương phục vụ cho kế hoạch của Navarre.

Tuy nhiên, những tính toán của Navarre đã nhanh chóng bị đảo lộn khi được tin “một đại đoàn chủ lực của Việt Minh đang hành quân lên hướng Tây Bắc”. Không thể mất địa bàn chiến lược trọng yếu này, được sự đồng thuận của các cố vấn Mỹ, Navarre gấp rút mở cuộc hành binh bằng đường không, đổ quân xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Chính phủ Mỹ cũng gấp rút tăng nhanh viện trợ quân sự quân Pháp ở Đông Dương: năm 1953 gấp 3 lần so với năm 1952, năm 1954 gấp hai lần so với năm 1953 - nâng giá trị viện trợ của Mỹ cho cuộc chiến tranh này từ 43% năm 1953 vọt lên 78% năm 1954. Kết quả là, chỉ sau thời gian ngắn, Điện Biên Phủ đã trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - một pháo đài khổng lồ không thể công phá, một “con nhím” hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại.

Qua vài sự kiện và số liệu khái quát như trên cũng đủ để thấy rằng, với mưu đồ xâm lược Việt Nam và Đông Dương, nếu lúc đầu Chính phủ Mỹ mới chỉ dùng nguồn viện trợ quân sự để thao túng, can thiệp, chi phối ngày càng sâu vào cuộc chiến, thì đến năm cuối của cuộc chiến, Mỹ đã thực sự là chủ nhân; bởi với 78% ngân sách bảo đảm cho cuộc chiến này, người Pháp - trực tiếp là quân Pháp - chỉ là lính xung kích tác chiến theo điều hành của người Mỹ. Phải chăng, chính người Mỹ đã thử nghiệm chính sách thực dân mới của mình ngay đối với người Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (theo cách nói của các nước phương Tây). Và như vậy, đại bại ở Điện Biên Phủ thực sự là đòn phủ đầu đau đớn sâu thẳm, khoét vào tâm can của giới cầm quyền Nhà Trắng. Bản chất diều hâu bị kích động trỗi dậy, Mỹ đã tìm mọi cách để phục thù - tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới ở Việt Nam. 

Chiến tranh xâm lược kiểu mới

Thất bại trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã buộc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán của một Hội nghị quốc tế (họp tại Geneva, Thụy Sỹ) để thống nhất giải pháp về vấn đề kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Đến tham dự Hội nghị với tư thế của người chiến thắng, nhưng trước một thực tế là vừa giành được chính quyền về tay nhân dân bằng cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, với một ngân sách quốc gia trống rỗng, lại phải bước ngay vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh suốt 9 năm ròng, phải nỗ lực huy động cao độ sức mạnh của toàn dân tộc để chiến đấu và chiến thắng với đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp, mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, nên chúng ta phải đối mặt với những khó khăn và thử thách rất cam go trên nhiều phương diện. Dù đã lượng định, song vận mệnh của dân tộc ta vẫn bị các nước lớn (không phân biệt thể chế chính trị) ngầm thỏa thuận với nhau trên bàn cờ chính trị trước thềm Hội nghị Geneva. Theo đó, vấn đề cốt yếu nhất trong nội dung Hiệp định có điều khoản quy định: Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy Vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Giới cầm quyền Nhà Trắng chỉ đạo Trưởng phái đoàn tham gia đàm phán khước từ việc ký vào bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Đại diện của Chính phủ Bảo Đại cũng công khai tuyên bố không tán thành Hiệp định này. Chỉ với những dữ kiện như trên cũng đã đủ để Washington thực hiện việc thế chân Pháp, tiến hành cuộc xâm lược thực dân mới ở Việt Nam.

Rút kinh nghiệm sâu sắc sự thảm bại trong chính sách thực dân kiểu cũ của người Pháp, đế quốc Mỹ đã xây dựng nên mô hình chủ nghĩa thực dân mới để tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam, trước hết là miền Nam Việt Nam. Đây là “hình thức mới của chủ nghĩa thực dân nhằm tiếp tục duy trì sự thống trị và bóc lột của chủ nghĩa đế quốc đối với các nước mới giành được độc lập và đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa thực dân mới: thống trị và bóc lột các nước một cách gián tiếp, giấu mặt thông qua hình thức viện trợ và cố vấn, thực hiện sự xâm lược về kinh tế dưới các hình thức đầu tư vốn, cho vay, trợ cấp…, kết hợp với gây sức ép về chính trị và quân sự. Các phương pháp thống trị cơ bản thường bao gồm: dành cho các nước đang phát triển sự viện trợ kèm theo các điều kiện về kinh tế và chính trị, ký kết những điều ước quốc tế không bình đẳng; lôi kéo các nước này vào các khối và liên minh chính trị, kinh tế hoặc quân sự dưới sự bảo trợ của các nước đế quốc; can thiệp vào công việc nội bộ của các nước đã bước vào con đường phát triển, dựng lên các chính phủ lệ thuộc để thông qua đó khống chế, chi phối và tước đoạt trên thực tế độc lập, chủ quyền và lợi ích dân tộc; duy trì địa vị và lợi ích của chủ nghĩa đế quốc ở những nước đó và trên thế giới”. Theo đó, ngay khi Hiệp định Geneva được ký kết, Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn để thiết lập một thể chế chính trị mới ở Nam Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo và điều hành của Mỹ, trực tiếp thông qua hệ thống cố vấn, Ngô Đình Diệm nhanh chóng tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền các cấp, phát triển quân đội và cảnh sát làm công cụ bạo lực cho việc trấn áp phong trào nổi dậy đòi Tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo quy định của Hiệp định Geneva của nhân dân miền Nam; truy diệt những cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng; thanh trừng các giáo phái và tổ chức chính trị thân Pháp; tiến hành cuộc “trưng cầu dân ý trên đầu súng” để truất quyền Bảo Đại, lên làm Tổng thống (23.10.1955), rồi làm tiếp cuộc tuyển cử bầu Quốc hội, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (4.3.1956). Đến đây, đế quốc Mỹ đã cơ bản thiết lập được một hình mẫu của thể chế thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Vậy là, từ sự kiện Điện Biên Phủ, giới cầm quyền Nhà Trắng đã tìm được lối để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Dẫm lên vết chân của người Pháp

Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong suốt hai thập kỷ có lẻ, với 5 loại hình chiến lược chiến tranh: chiến tranh một phía (7.1954 - 1960), chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), chiến tranh cục bộ (1965 - 1968), phi Mỹ hóa chiến tranh (1968 - 1969) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969 - 4.1975). Sự luân phiên các chiến lược chiến tranh chính là những bước thất bại thảm hại của Mỹ từ thấp đến cao. Các sự kiện điển hình như: Đồng khởi 1960; Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài cuối 1964 đầu 1965; mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967 và Tết Mậu Thân 1968; Đường 9 - Nam Lào 1971; Quảng Trị 1972; rồi mùa Xuân Ất Mão 1975 trên chiến trường miền Nam. Bên cạnh đó là hơn 4.000 máy bay các loại bị bắn rơi trên miền Bắc trong hai lần chiến tranh phá hoại (2.1965 - 11.1968 và 4.1972 -1.1973), nổi bật là 34 pháo đài bay B52 cùng hàng trăm máy bay hiện đại khác tan xác trong trận quyết chiến chiến lược ngay trên bầu trời Thủ đô (12.1972). Đây là những bằng chứng về thất bại của Mỹ trong quá trình leo thang chiến tranh rồi buộc phải xuống thang chiến tranh, góp phần tạo ra hội chứng Việt Nam mà cho tới nay chưa phai mờ trong tâm trí của người Mỹ, nhất là những người từng dính líu ít nhiều đến cuộc chiến tranh này.

Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã trực tiếp tái diễn hình ảnh Điện Biên Phủ của quân đội Pháp: đó là trận thung lũng Khe Sanh (1968) và Điện Biên Phủ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội. Đây chính là hai đòn đánh góp phần rất quan trọng vào hai quyết định vô cùng khó khăn của giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm góc; đó là, chấp nhận đến đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris (13.5.1968) và chấp nhận ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27.1.1973). Với tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của bạn bè quốc tế, chúng ta đã giành thắng lợi quyết định trên chiến trường để tiến tới giành thắng lợi pháp lý trên bàn đàm phán ở Paris, chính thức loại quân chiến đấu và quân đội đồng minh Mỹ ra khỏi bờ cõi Việt Nam, mở ra điều kiện và thời cơ thuận lợi để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Ất Mão (1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Như vậy, với những âm mưu và thủ đoạn được toan tính rất bài bản đặt trong những điều kiện chủ quan và khách quan cụ thể, đế quốc Mỹ đã từng bước thực hiện cuộc xâm lược Việt Nam hết sức tinh vi, xảo quyệt. Đó là, dùng đồng đôla và vũ khí tăng dần để thao túng Pháp tiến hành chiến tranh, nhưng rốt cùng là bị đại bại tại Điện Biên Phủ, giới cầm quyền Nhà Trắng đã tìm cách mặc cả với các nước lớn trong Hội nghị quốc tế Geneva, thỏa thuận một Hiệp định có “đủ kẽ hở” để ngay sau đó nhảy vào tiến hành cuộc xâm lược thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Qua 21 năm tiến hành chiến tranh, với đủ mọi chiến lược, bằng tất cả vũ khí hiện đại nhất (trừ nguyên tử) và cũng đã mang cả quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam, đánh phá bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc với quy mô, cường độ khốc liệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới; song cuối cùng, Mỹ đã phải khuất phục trước sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, phải chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà không kèm theo điều kiện nào. Chỉ với những chứng cứ lịch sử như trên cũng đủ để khẳng định rằng: Điện Biên Phủ là khúc dạo cho thảm kịch trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ; ngược lại, Điện Biên Phủ là khúc nhạc dạo cho bản trường ca thắng Mỹ của nhân dân Việt Nam.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khúc dạo trường ca thắng Mỹ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO