Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y: Điểm khởi đầu đưa Kon Tum vào hội nhập
Hơn 10.000 tỷ đồng vốn đăng ký, 9 dự án đã và đang triển khai, hàng chục doanh nghiệp chờ cấp giấy chứng nhận kinh doanh và hoàn thành thủ tục mở chi nhánh, văn phòng đại diện... Đó là một phần kết quả Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đạt được tính đến thời điểm này, cũng là những bằng chứng cho thấy, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đang là điểm khởi đầu mũi đột phá phát triển kinh tế của Kon Tum.
Đến Bờ Y, Ngọc Hồi bây giờ, người ta khó hình dung được nơi đây từng là một vùng đất đầy hố bom và xác đạn, hoang vắng và cách biệt, đến mức Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y Nguyễn Thế Đạt gọi là "thành phố âm ty". Những công trình cơ sở hạ tầng của Khu Kinh tế đã làm thay đổi đáng kể diện mạo cùng một vùng biên giới Kon Tum. “Tấc đất tấc vàng”, đất đai giờ không còn tính bằng giá đất rẫy, đất ruộng như trước. Hàng ngày, tấp nập những chuyến xe chở gỗ từ Lào, qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y về Việt Nam. Số lượng các nhà hàng, khách sạn tăng khá nhanh. Hàng hoá đổ về thị trấn Plei Kần ngày một nhiều, trong đó, nhiều mặt hàng sẽ “xuất ngoại” phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân nước bạn Lào.
Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y do Chính phủ trực tiếp quản lý, chỉ đạo. Vùng đất rộng lớn này có diện tích 68.570 ha, bao gồm 5 xã và 1 thị trấn tại ngã ba Đông Dương, có đường biên giới chung với Lào 30 km, với Campuchia 25 km. |
Với những chính sách ưu đãi, thủ tục cấp phép đầu tư nhanh chóng, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã tiếp nhận trên 40 dự án đầu tư. Chính các dự án đầu tư vào du lịch lữ hành, du lịch sinh thái, khu đô thị và khu công nghiệp chế biến gỗ, các dự án xúc tiến xây dựng khu chợ biên giới với các trung tâm giao dịch, kho ngoại quan, trung tâm tài chính, ngân hàng và một khu dân cư cao cấp... đang được triển khai đã biến Bờ Y thành một công trường sôi động và đầy ắp sinh khí. Mạng lưới đường giao thông trục chính đã hoàn chỉnh, đường 18B của Lào đã được thông xe càng góp phần làm tăng lưu lượng khách qua lại. Đó là chưa kể, tới đây, Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y trở thành điểm tập kết nguyên vật liệu lý tưởng cho công trình xây dựng thủy điện Xê Ca Mán của nước bạn Lào, kể cả thiết bị của các nước thứ ba nhập khẩu vào Lào thông qua hệ thống cảng biển miền Trung. Những hợp đồng trồng hàng trăm ha cao su, cà phê, sắn cùng những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn ở phía nước bạn Lào hứa hẹn cung cấp một nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản.
Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y Nguyễn Thế Đạt: "Chúng tôi sẽ dành 9.000 ha xây dựng khu đô thị để thu hút dân. Theo đó, sẽ có giải pháp sắp xếp bố trí dân cư tại chỗ cũng như đưa dân tái định cư vào Khu kinh tế cửa khẩu để lao động và học tập. Dự kiến từ nay đến năm 2010 sẽ thu hút khoảng 50.000 dân và đến năm 2020, số dân sẽ đạt 100.000 dân". |
Những đổi thay nhanh chóng đó là một trong nhiều lý do khiến người dân Kon Tum tin rằng sự ra đời của Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y sẽ giúp cho Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng thoát khỏi thế ngõ cụt, vươn ra hội nhập với khu vực. Niềm tin đó càng được củng cố mạnh mẽ hơn khi Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có những thế mạnh riêng hiếm nơi nào có được. Không chỉ là nơi con chim bay trên trời dang đôi cánh che nắng cho cả ba vùng đất của Việt Nam, Lào và Campuchia, Bờ Y còn là "giao lộ" của nhiều trục giao thông đi khắp các địa phương trong cả nước với các nước trong khu vực. Điểm cuối của quốc lộ 40 (đường 18 cũ) đi từ thị trấn Plei Kần đến cửa khẩu Bờ Y dài 24km được gọi là ngã ba Đông Dương. Trong giao lưu phát triển kinh tế, các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đều chọn quốc lộ 40 là hướng mở để đi ra biển Đông. Đối với Việt Nam, tuyến đường này đóng một vai trò quan trọng trong giao thương hàng hóa quốc tế và phát triển du lịch. Nếu đi từ các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ đến các tỉnh Đông Bắc của Thái Lan, Nam Lào và Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, lộ trình sẽ ngắn hơn 1.300 km so với đi qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị. Một ưu điểm nữa là Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y nằm trong một không gian giàu tài nguyên kinh tế- xã hội: Tây Nguyên là vùng đất giàu có về nông sản; Miền Trung có ưu thế về hệ thống cảng biển nước sâu, các sân bay quốc tế và đặc biệt là Khu công nghiệp Dung Quất, Khu kinh tế mở Chu Lai; Miền Đông Nam Bộ là chuỗi đô thị lớn và các khu công nghiệp; Vùng Đông bắc Thái Lan giàu tài nguyên khoáng sản và nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn... Phó Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Bờ Y Phạm Thiện Thuật cho biết, do Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ nên các nhà đầu tư rất yên tâm với cơ chế “một cửa” ở đây.
Theo ông Phạm Thiện Thuật, Chính phủ luôn tạo chính sách ưu đãi, khuyến khích và bảo hộ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu trong các lĩnh vực. Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế không phải trả tiền các công trình kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng; Được chuyển nhượng, thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất trong thời hạn thuê đất phù hợp với mục đích sử dụng của dự án đã đầu tư. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y được miễn tiền thuê đất 11 năm đầu, được hưởng mức giá thuê đất bằng 30% giá thuê đất áp dụng cho các huyện miền núi ở tỉnh Kon Tum kể từ năm thứ 12 trở đi. Công dân các nước Lào, Campuchia nằm trong khu vực tam giác phát triển được qua lại biên giới và lưu trú không quá 15 ngày bằng giấy chứng minh biên giới...
Có thể nói, Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã và đang khởi động, tập trung nhân tài, vật lực để đáp lại khẩn trương yêu cầu của các nhà đầu tư và yêu cầu hội nhập của các nước trong khối ASEAN.
Tiểu Phong