Ngày 18.4, Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ, thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tọa đàm “Xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ” và ra mắt dự án cộng đồng “Nền tảng kết nối cung - cầu công nghệ: TechTrust.vn”.
Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, hơn 100 dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học phục vụ y tế; công nghệ cơ khi chính xác; công nghệ tự động hóa... Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động.
Để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bám sát mục tiêu phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái thông minh, ông Trung cho rằng bên cạnh việc tập trung thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần thúc đẩy, tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ, thương mại hoá tài sản trí tuệ.
Theo TS. Nguyễn Trường Phi, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam trong thời gian qua cũng như sắp tới.
Trong bối cảnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới thông qua R&D. Đồng thời, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, trước hết thông qua tiếp nhận và ứng dụng công nghệ, sau đó tiến tới tạo ra công nghệ.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, công nghệ tốt không chỉ mang lại giải pháp tốt mà còn phải được bảo hộ và bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ hiện nay là “cứu cánh” duy nhất về mặt pháp lý cho độc quyền công nghệ.