Không xử lý trách nhiệm cho có!

- Thứ Hai, 18/10/2021, 06:27 - Chia sẻ
Trong báo cáo của Ủy ban Pháp luật gửi tới Quốc hội, Kỳ họp thứ Hai thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, triển khai thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021 cho thấy: Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để, dẫn đến vẫn còn những khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật.

Thực tế, nợ đọng văn bản quy định chi tiết là vấn đề luôn được nhắc đến trong báo cáo hàng năm của Chính phủ, của cơ quan thẩm tra khi đề cập đến những hạn chế trong ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết. Thậm chí, có người từng ví việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết là những “căn bệnh” kinh niên trong công tác xây dựng luật. Và trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này.

Không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc cố gắng khắc khục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết trong thời gian qua. Sau mỗi kỳ họp của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua, cùng với đó ban hành riêng quyết định để triển khai thi hành các luật này. Nhờ vậy, số văn bản nợ cũng có xu hướng giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tình trạng nợ đọng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cá biệt, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 nhưng đến nay vẫn nợ 1 nghị định, 1 quyết định...

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản. Luật quy định là vậy, nhưng trên thực tế, vẫn xảy ra tình trạng nợ văn bản hướng dẫn trong nhiều năm qua.

Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong thực thi pháp luật; dẫn đến một số chính sách bị “treo”, luật chậm đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có những vấn đề mới, chưa có thực tiễn, có những vấn đề khó, nhạy cảm nên cần tính toán cẩn trọng trước khi ban hành.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận đó là do công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ, trong quá trình đóng góp ý kiến chưa có sự thống nhất cao. Người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Bên cạnh đó, việc xem xét xử lý trách nhiệm để chậm trễ ban hành văn bản quy định hướng dẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trong Nghị quyết số 67/2013/QH13, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới để xảy ra chậm trễ trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Và trong các báo cáo của Chính phủ, của cơ quan thẩm tra cũng đã chỉ ra được địa chỉ nợ đọng văn bản hướng dẫn nhưng nhìn chung việc xử lý mới chỉ dừng ở mức phê bình, rút kinh nghiệm, mà chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Đáng tiếc rằng, ngay trong giải pháp mà Chính phủ nêu ra cũng chỉ là “cương quyết không xem xét khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản”.

Để không tái diễn “nợ đọng” văn bản hướng dẫn chi tiết, cần tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó là, dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh. Cơ quan thẩm định thẩm tra kiên quyết bác dự án luật trình chưa tuân thủ quy định này. Cùng với đó, xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn. Chế tài trách nhiệm phải đủ mạnh, đủ sức răn đe, tránh tình trạng chỉ xử lý chung chung cho có.

Lê Hùng