Không trông chờ vào ngân sách nhà nước

- Thứ Ba, 01/06/2021, 07:07 - Chia sẻ
Kết cấu hạ tầng giao thông nước ta có bước phát triển mạnh mẽ đã tạo động lực, đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Vậy nhưng thực tế, mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, các tuyến cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng vẫn chưa đạt được bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Hiện tổng chiều dài đường bộ nước ta khoảng 319.206km, trong đó các tuyến quốc lộ có tiêu chuẩn kỹ thuật cấp I, II, III chiếm tỷ lệ hơn 43%, còn lại là cấp IV, V. Đặc biệt, các tuyến đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 7,51%. Với hệ thống đường cao tốc, theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nước ta sẽ có 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1.163km được đưa vào khai thác, 911km đang triển khai đầu tư.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu trong từng thời kỳ trung hạn (2021 - 2025) làm cơ sở cân đối nguồn đầu tư hoàn thành 871km cao tốc để đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc. Cụ thể, phấn đấu khởi công mới khoảng 1.176km, gồm một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; khu vực phía Bắc đưa vào khai thác 2 tuyến dài 74km; khởi công 4 tuyến cao tốc dài 337km.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành 2 tuyến cao tốc có chiều dài 139km; khởi công tuyến cao tốc Buôn Mê Thuột - Vân Phong dài 105km. Khu vực phía Nam hoàn thành 2 tuyến cao tốc dài 147km; khởi công 3 tuyến mới dài 194km. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành 3 tuyến, dài 136km; khởi công 2 tuyến, dài 153km...

Về nguồn vốn thực hiện các dự án cao tốc trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến cần khoảng 350.936 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng. Hiện Chính phủ đã giao các địa phương cân đối nguồn, chủ trì thực hiện 37.168 tỷ đồng, ngân sách trung ương cần bố trí 182.355 tỷ đồng, trong đó đã cân đối được 138.000 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 44.355 tỷ đồng. Trong kỳ trung hạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 395.670 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 209.164 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách 186.506 tỷ đồng.

Phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống đường cao tốc là đòi hỏi tất yếu bởi giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Thế nhưng vấn đề đặt ra là huy động và bố trí nguồn lực như thế nào vì thực tế đã xảy ra tình trạng nhiều dự án không giải ngân được vốn, trong khi đó nhiều dự án lại không bố trí được nguồn vốn. Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay là phải xác định rõ thứ tự các dự án cần ưu tiên với các tiêu chí cụ thể để bảo đảm có vốn và giải ngân được vốn.

Đặc biệt, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về chủ trương xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng tới năm 2030 diễn ra mới đây là không trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách nhà nước. Phải huy động nguồn lực xã hội là chính, đồng thời đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân cấp, quy trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân...

Hệ thống đường cao tốc quyết định chất lượng giao thông đường bộ nói riêng và chất lượng hạ tầng giao thông nói chung. Bên cạnh đó, các tuyến cao tốc còn mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tạo động lực phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và khu vực. Tuy nhiên, để có được hệ thống đường cao tốc đồng bộ, ngoài việc quy hoạch và phân kỳ đầu tư hợp lý, cái chính vẫn là bố trí, huy động nguồn lực thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Ninh Hà