Không thuyết phục

- Thứ Hai, 29/11/2021, 14:29 - Chia sẻ
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho phép nhập và khai thác 37 toa xe cũ của Nhật Bản, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định quan điểm không ủng hộ.

Lý do theo Bộ Giao thông - Vận tải là bởi căn cứ Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt quy định rõ: Đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị là không quá 40 năm. Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng, chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.

Căn cứ các quy định trên, 37 toa xe này vừa không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm, vừa không được phép vận hành khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm - dù đề xuất cho phép nhập khẩu, khai thác sử dụng 37 toa xe có một số lợi ích nhất định như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo. Nhưng các quy định của pháp luật đã rõ ràng nên Bộ không thể ủng hộ.

Trước ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Namcho biết, sẽ nghiêm túc thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Chúng tôi thấy những lợi ích sẽ mang lại nếu nhập khẩu và khai thác những toa xe được phía Nhật Bản tặng nên đã báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng. Trường hợp Thủ tướng yêu cầu báo cáo chi tiết hơn phương án nhập khẩu, khai thác, chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo, làm rõ. Nếu Thủ tướng không đồng ý, Tổng công ty xin chấp hành.

Quan điểm này không phải chỉ của riêng Bộ Giao thông - Vận tải. Trước đó, để có cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết cho doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền, Bộ đã có văn bản gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ý kiến của các Bộ này đều cho rằng đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là không đúng với quy định tại Nghị định 65/2018/NĐ-CP, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định.

Bên cạnh đó, trong tại văn bản đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa nêu, đánh giá một cách cụ thể, chi tiết các nội dung về tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì, giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam. Đặc biệt, việc nhập khẩu các toa xe sản xuất từ năm 1979 - 1982 cũng sẽ có những ảnh hưởng, tác động đến môi trường nếu vận hành tại nước ta, đồng thời có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước.

Còn nhớ hồi đầu năm 2016, Công ty Đường sắt Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp này mua, nhập khẩu lô toa tàu chở hàng gồm 164 toa tàu chạy trên khổ đường sắt 1m đã qua sử dụng. Tuy nhiên, không chỉ Bộ Giao thông - Vận tải phản đối mà Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng khẳng định chưa có chủ trương. Chủ trương của Tổng công ty là đổi mới, đẩy nhanh hiện đại hóa đường sắt, cơ sở hạ tầng, trong đó có nhà ga, toa xe... Đã hiện đại hóa thì toa chở khách phải đẹp, toa chở hàng phải nâng cấp tốc độ chạy từ 60 km/giờ hiện nay lên 70-80 km/giờ để bảo đảm năng lực vận tải của ngành đường sắt, không dùng đồ cũ...

Như vậy, việc nhập khẩu các toa xe cũ nếu chiếu theo các quy định pháp luật là không phù hợp. Và đương nhiên khi không phù hợp thì khó có lý lẽ để thuyết phục.

Ninh Khương