Không thể “tiền trảm, hậu tấu”!

Đăng Quang 25/04/2017 07:59

Sông Vàm Nao ở Chợ Mới, An Giang sạt lở, cướp đi 17 ngôi nhà của người dân trong mấy ngày qua. Cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đang tích cực tìm hiểu nguyên nhân và hướng khắc phục lâu dài nhằm ngăn chặn những thiệt hại tương tự.

Thiệt hại mà người dân phải hứng chịu đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Rất cần một tư duy, cách nhìn mới trong bảo vệ môi trường hiện nay. Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, không thu hút, vẫy gọi các doanh nghiệp đầu tư bằng mọi giá! Đó là chỉ đạo dứt khoát và quyết liệt của Chính phủ.

Sông Vàm Nao ở Chợ Mới, An Giang sạt lở, cướp đi 17 ngôi nhà của người dân Nguồn: thanhnien.vn
Sông Vàm Nao ở Chợ Mới, An Giang sạt lở, cướp đi 17 ngôi nhà của người dân Nguồn: thanhnien.vn

Việc Chính phủ “lắc đầu” với dự án thép Cà Ná tăng thêm niềm tin trong dân. Nhưng đáng suy nghĩ là đây đó vẫn có những việc làm kiểu “tiền trảm, hậu tấu”, phớt lờ các cơ quan bên trên. Không thiếu những chuyện cán bộ xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp như đã diễn ra ở Đồng Nai, Đắk Lắk, Kon Tum. Không ít những chuyện chia lô, bán nền của chính quyền cấp huyện, cấp xã gây bức xúc cho người dân. Hay chuyện để thực hiện dự án người ta sẵn sàng phá rừng như ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Phú Yên cho dù chưa được phép.

Rõ ràng đó là những việc làm coi thường kỷ cương, phép nước! Câu hỏi đặt ra: Những doanh nghiệp chủ tâm phá rừng ở Phú Yên, Đà Nẵng hay ở đâu đó khi chưa có phép là ai? Liệu có sự nương tay, che chắn nào với họ từ phía lãnh đạo địa phương, ban, ngành hay không?

Phải chăng “cứ làm rồi xin phép” từ lâu đã thành lệ, hay vấn nạn “xin - cho” chưa bứt được ra? Nhìn lại, đất đai chiếm đa phần các vụ khiếu kiện. Khiếu nại, kiện tụng  đông người, vượt cấp cũng đều từ tranh chấp đất đai mà ra. Ngay cả câu chuyện ở thôn Hoành mà Chủ tịch Hà Nội phải trực tiếp về đối thoại với dân, cũng xuất phát từ đất đai, từ việc xử lý không đến nơi đến chốn của các cơ quan chức năng, của các cấp chính quyền với người dân.

Chúng ta đã có Luật Đất đai, nhưng khi thực thi hình như vẫn bị làm méo mó đi chăng? Hiểu Luật Đất đai, quyền sở hữu đất đai không tường tận, không đúng sao có thể thực thi đúng? Có hay không tình trạng chính quyền địa phương cậy uy quyền bắt tay với các doanh nghiệp lấy đất của người dân đền bù với giá quá rẻ? Trong nhiều vụ tranh chấp đất đai, không thiếu chuyện các cơ quan của địa phương về thanh tra, xử lý, đưa ra những câu trả lời dù người dân chưa “tâm phục khẩu phục”, nhưng vẫn lờ đi coi như đã xong việc. Cách hành xử thiếu cả tình, cả lý mà chỉ nặng áp đặt sao có thể lọt tai dân? 

Lắng nghe dân, gần dân, không xa dân, hành động vì dân, là thông điệp trong các nghị quyết của Đảng. Người đảng viên, công tác trong các lĩnh vực, các cấp hãy tự soi lại mình xem đã làm được như vậy chưa?

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không thể “tiền trảm, hậu tấu”!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO