Không thể theo lối mòn cũ!

Cẩm Phô 07/12/2022 06:14

Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm vừa mất cơ hội vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) chỉ vì đóng gói bằng… khay nhựa. Câu chuyện được ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn "Xúc tiến xuất khẩu xanh" mới đây cho thấy, xanh hóa sản xuất đang là áp lực và cũng là cơ hội của doanh nghiệp Việt. Muốn bán được hàng ra thị trường toàn cầu, doanh nghiệp không thể đi theo lối mòn cũ!

Thực tế, hoặc xanh hóa sản xuất, hoặc mất đơn hàng không phải là bài toán mới đặt ra. Từ gần 5 năm nay, ngành dệt may đã đối diện với áp lực xanh hóa từ các nhãn hàng quốc tế. Hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất như sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường... Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được, các nhãn hàng sẽ rời bỏ và bản thân doanh nghiệp cũng không thể cạnh tranh khi xuất khẩu sản phẩm.

Ví dụ, H&M, một nhà sản xuất hàng may mặc toàn cầu có 31 nhà cung cấp tại Việt Nam, đã cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hòa carbon cho các nhà máy chế tạo và chế biến thuộc sở hữu của họ hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp, và các nhà cung cấp của các nhà cung cấp của họ (như nhà máy sản xuất vải, chế biến vải, sản xuất sợi, thuộc da) vào năm 2030. Nike cũng công bố các kế hoạch tương tự, có ảnh hưởng đến trên 100 nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam.

Càng về sau, những yêu cầu về sản xuất xanh càng nghiêm ngặt hơn và mở rộng ra nhiều ngành hàng. “Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may” mà Liên minh châu Âu (EU) đang “sốt sắng” thậm chí đòi hỏi các sản phẩm may mặc phải được “thiết kế sinh thái để tăng độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế”. Áp lực xanh hóa cũng đang đè nặng lên những nhà cung ứng linh kiện và phụ tùng cho các hãng xe, vốn đang nỗ lực hướng đến một tương lai xanh hơn và sạch hơn để đạt các mục tiêu về môi trường. 

Đặc biệt, áp lực xanh hóa sản xuất với doanh nghiệp Việt Nam còn xuất phát từ yêu cầu của người tiêu dùng toàn cầu. Số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức giá cao hơn cho các sản phẩm bền vững đang tăng lên, cũng như nhận thức của họ về tiêu thụ bền vững để bảo vệ môi trường ngày càng cao đang đặt ra các áp lực buộc doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo theo hướng sản xuất xanh.

Bối cảnh hiện nay là cạnh tranh quốc tế, đầy cam go, doanh nghiệp không thể chậm chân hay chủ quan, càng không thể đi theo lối mòn cũ. Khi người tiêu dùng ngày càng thông minh và sự đòi hỏi ngày càng khắt khe, doanh nhân càng phải “thuộc làu” nội dung CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), CSV (mô hình kinh doanh đồng thời tạo ra giá trị xã hội và giá trị kinh tế một cách bền vững với cả doanh nghiệp và cộng đồng), ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng), CSI (chỉ số hài lòng của khách hàng), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Trước mắt, việc thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vì khoản đầu tư lớn và cần nhân sự triển khai. Tuy nhiên, cũng có những thay đổi không quá tốn kém, ví dụ chuyện sử dụng bao bì bằng vật liệu thân thiện môi trường thay vì bằng khay nhựa nhắc tới ở trên. Nhưng dù tốn kém hay không, xanh hóa sản xuất không phải là chuyện riêng của doanh nghiệp sản xuất. Để thúc đẩy hành trình này, đòi hỏi có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính và các nhãn hàng…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không thể theo lối mòn cũ!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO