“Không thể phát triển nếu thiếu khuyến công”

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:22 - Chia sẻ
“Nếu không có khuyến công, chúng tôi chắc chắn không phát triển được như bây giờ”, Phó giám đốc Công ty May Bảo Linh (Balitex, Nam Định) Nguyễn Văn Sam bộc bạch. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều doanh nghiệp được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) đồng hành trong thời gian qua.

Đổi mới quản trị, công nghệ, tăng thu nhập

Xưởng may thứ 4 của Balitex vận hành từ đầu năm nay, đặt tại xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, Nam Định. Hàng ngày, hơn 100 công nhân miệt mài làm việc trong tiếng máy chạy đều. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xưởng, anh Sam hồ hởi giới thiệu từng chiếc máy, từ máy dập khuy, máy đóng khúc, máy trải vải, máy cắt vải… được đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. “Trước đây, công đoạn trải vải cần 2 nhân công, nay nhờ có máy trải vải nên chỉ cần 1 lao động mà năng suất lại cao hơn. Cũng nhờ có máy móc, tất cả các khâu sản xuất áo sơ mi đều đã được tối ưu hóa. May Bảo Linh được như hôm nay chính nhờ sự trợ giúp của khuyến công vùng 1 (IPC1)”.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Balitex mới thấy anh Sam không "nói quá".

Thành lập năm 2009, ban đầu, may Bảo Linh chỉ là một xưởng nhỏ với 3 - 4 lao động, chuyên may quần áo đồng phục học sinh. Dần dần, xưởng mở rộng quy mô lên 20 người, nhận may thêm đồng phục cho công an xã. Công việc thuận lợi, năm 2014, xưởng tuyển trên 50 lao động. Số lao động tăng lên nhưng mô hình sản xuất, quản lý vẫn theo nếp cũ khiến chủ cơ sở “bỡ ngỡ, không biết phải thay đổi từ đâu”. “May sao thời điểm đó, chúng tôi được tiếp cận với IPC1”, Phó Giám đốc Balitex nhớ lại.

Không chỉ giúp May Bảo Linh đào tạo người lao động, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, IPC1 còn hỗ trợ doanh nghiệp ngoài nguồn khuyến công như tổ chức sản xuất (lập đơn hàng tại dây chuyền) và tổ chức nhân sự, hoàn thiện bộ máy hành chính, tạo hệ thống quản lý bài bản giúp bố trí, tuyển dụng con người phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Qua đó, Balitex đã định hình chiến lược cho riêng mình, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến, cải tiến chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, IPC1 cũng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tổ chức các hội thảo, tọa đàm, phối hợp với các Sở Công thương để kết nối khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, Balitex đã mở rộng bạn hàng, có được nhiều hợp đồng hơn và hiện là doanh nghiệp duy nhất trong huyện sản xuất áo sơ mi xuất khẩu sang Nhật Bản. Công ty giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Cũng bởi chú trọng đầu tư nên “dịch Covid - 19 chỉ khiến doanh nghiệp giảm 10 - 15% năng suất hoạt động so với trước dịch”, anh Sam cho biết.

Giống Balitex, Công ty TNHH Phương Ngọc (Cụm Công nghiệp An Xá, TP Nam Định) cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ IPC1.

Phó Giám đốc công ty Vũ Thị Kim Thoa cho biết, trước đây Phương Ngọc chuyên sản xuất trang thiết bị bảo hộ lao động như dây an toàn, áo phản quang, quần áo đồng phục, dây cẩu hàng, nhà bạt… Do  quy mô sản xuất nhỏ, mang tính tự phát, chưa chú trọng đầu tư chất lượng nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị nên thị trường tiêu thụ hẹp, đời sống người lao động không bảo đảm. Nhận thấy nhu cầu của thị trường rất lớn đồng nghĩa có nhiều tiềm năng phát triển, ban lãnh đạo công ty quyết tâm đổi mới nhưng “đụng đâu cũng thấy khó”. “Nhờ sự giới thiệu của một doanh nghiệp khác, chúng tôi tìm đến IPC1, trình bày đề án và nhận được sự hỗ trợ trong suốt 3 năm qua, từ việc hỗ trợ đào tạo lao động, cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra công đoạn nào thừa, công đoạn nào thiếu và đưa ra giải pháp phù hợp, hỗ trợ trình diễn kỹ thuật làm móc khóa an toàn đến mời tham dự các hội thảo, hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm”, Phó Giám đốc Vũ Thị Kim Thoa chia sẻ.

Đến nay, ngoài các mặt hàng sản xuất truyền thống, công ty đã mở rộng kinh doanh, phân phối đầy đủ các mặt hàng trang thiết bị bảo hộ lao động như: Mũ bảo hộ lao động, kính, khẩu trang, găng tay, giày ủng…; khép kín quy trình sản xuất khi tự làm các móc khóa kim loại trong các thiết bị bảo hộ thay vì nhập khẩu như trước. Công ty xây dựng mạng lưới rộng khắp cả nước với trên 500 đại lý, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân Công ty Phương Ngọc sản xuất dây đeo an toàn   

Ảnh: V. Thủy 

Cần xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử

Mặc dù thừa nhận “không thể hình dung sẽ phát triển thế nào nếu không có sự hỗ trợ của khuyến công” song đại diện Công ty TNHH  Phương Ngọc cho rằng “quan trọng nhất vẫn là sự tự lực của mỗi doanh nghiệp”. Bởi lẽ, kinh phí hỗ trợ của khuyến công không lớn, chỉ là vốn mồi; muốn tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm do khuyến công tổ chức, kết nối, doanh nghiệp phải có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường... “Nếu doanh nghiệp không có đề án tốt sẽ khó nhận được sự hỗ trợ của khuyến công. Nhưng nếu không có ý chí đổi mới, mạnh dạn đầu tư, có chiến lược bài bản thì doanh nghiệp không thể phát triển dù có nhận được hỗ trợ nhiều đến đâu”, bà Vũ Thị Kim Thoa đúc kết.

Trong thời gian tới, đại diện doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, hoạt động khuyến công cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, cùng với ngân sách có thể huy động thêm nguồn tài chính hợp pháp khác để tăng nguồn lực cho khuyến công, qua đó hỗ trợ các cơ sở công nghiệp (doanh nghiệp) nhiều hơn, từ đào tạo đến trình diễn mô hình kỹ thuật. “Doanh nghiệp muốn phát triển phải có sản phẩm, có thị trường. Vì vậy, các hoạt động hội thảo, hội chợ, triển lãm cần được tăng cường để hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, cần có sàn giao dịch thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm chuyên nghiệp hơn, rộng rãi hơn. Đây là kênh quảng bá hữu hiệu nhất trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ hiện nay”, Phó Giám đốc Balitex Nguyễn Văn Sam đề xuất.

Ông Nguyễn Thế Lanh, Phó Giám đốc IPC1 xác nhận, trong thời gian tới sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để sớm triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử này, qua đó giúp các cơ sở công nghiệp kết nối tốt hơn với bạn hàng, từ khâu cung cấp đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. “Doanh nghiệp cũng cần thay đổi không ngừng, áp dụng công cụ tiên tiên tiến vào sản xuất để có sản phẩm tốt hơn”, ông Lanh nhấn mạnh.

V. Thủy