Không thể nhởn nhơ với nợ
Nhất tội nhì nợ! Các cụ xưa dạy thế để nói về cái sự khổ ải của sự nợ nần. Vậy mà bây giờ xã hội cứ nháo nhác lên chuyện nợ mà cái sự khổ ải chả ai lo, ai sợ vì nợ thúc, nợ đòi! Người ta cứ như nhởn nhơ với nợ!
Trên diễn đàn, ông Bộ trưởng hứa, nhưng kỳ họp sau đó vẫn chưa thực hiện nổi thì cũng là món nợ người dân và các doanh nghiệp (DN). Có quan chức hứa lo cho bạn bè thân hữu chỗ làm việc cho con cái chi đó, chưa lo được cũng là nợ! Có vị Tổng giám đốc được đề bạt lên cao hơn, nhưng người kế nhiệm không gánh nổi món nợ khủng của “sếp” ưu ái để lại! Thế nên ở TP Hồ Chí Minh có chi nhánh ngân hàng bê bối đủ nợ xấu, ngân hàng cấp trên điều tới 3 vị từ nơi khác về làm giám đốc chi nhánh này mà các vị đều “cao chạy xa bay” cả vì quá sợ những món nợ và những bê bối đâu dễ tháo gỡ.
Từ khi kinh tế thị trường bung ra, việc mở DN thoáng đạt quá dễ, nên cái sự nợ càng như nhiễu loạn. Nhiều ông chủ DN nợ lương người lao động, nợ cả bảo hiểm xã hội, và nợ bảo hiểm y tế… cứ như chuyện đùa. Chả thiếu chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản ở các tỉnh các huyện cứ bùng nhùng phơi ra đủ bi hài của chuyện tư duy nhiệm kỳ. Không thiếu các DN xây dựng kêu giời vì vay vốn ngân hàng mà công trình làm xong chủ đầu tư vẫn chả có tiền. Nợ chồng nợ, nợ dắt dây, nợ dọc, nợ ngang. DN này nợ DN kia. Công ty mẹ nợ công ty con… ai kiểm soát hết?
Thế nên cứ nói nợ nần chi cũng cần minh bạch, công khai cả ra. Nhưng công khai minh bạch thì lại không dễ chút nào. Tình trạng giấu nợ, biến báo nợå xấu ở các ngân hàng thành nợ đẹp cũng chả thiếu. Ông Chủ tịch công ty Quản lý Tài sản (VAMC) Nguyễn Quốc Hùng lần gặp nào cũng cởi lòng: Các DN giờ lắm chiêu để chây ỳ nợ. Có DN vay ngân hàng cả nghìn tỷ, vẫn ăn ra làm nên, nhưng cứ né nợ không chịu trả cho các ngân hàng. Công ty VAMC mua về món nợ xấu này quyết thu về, nhưng lại vướng đủ luật nọ, luật kia…
Minh bạch nợ, công khai nợ, rõ ràng không thể cứ nói mà không làm! Gần đây dư luận đang ồn ã chuyện Cục Thuế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bêu tên các DN chây ỳ nợ thuế quá lớn mới giật mình thay! Có tới 73 DN nợ thuế tới vài nghìn tỷ đồng. Đó mới chỉ ở 2 thành phố lớn. Nếu thống kê cả các tỉnh, thành cả nước những DN chây ỳ thuế thì không biết danh sách sẽ còn dài thế nào, và số nợ thuế ỳ, thuế chây sẽ là con số bao nhiêu tỷ?
Đất nước còn nghèo! Thuế thu về cho ngân sách để vận hành bộ máy, trả lương cho cán bộ nhân viên đương chức và nghỉ hưu. Thuế thu về để xây dựng trang trải bao vấn đề hệ trọng quốc gia. Xây dựng gì lớn Chính phủ vẫn phải lo vay nước ngoài dù nợ công đã chạm ngưỡng. Vậy mà các DN cứ chây ỳ không chịu nộp thuế cho ngân sách thế này thì quá nguy!
Phải công khai minh bạch, phải đưa việc chấp hành nộp thuế của các DN vào kỷ cương, để không còn chuyện thuế chây, thuế ỳ, làm khó cho nguồn thu ngân sách vốn còn rất eo hẹp hiện nay!