Không thể “hữu xạ tự nhiên hương”
Giáo dục đại học cũng là một loại hình cung cấp dịch vụ nên rất cần một thương hiệu uy tín. Tuy nhiên, các trường đại học (ĐH) của Việt Nam dường như chưa mấy quan tâm đến vấn đề này. Nhiều trường, đặc biệt là các trường có truyền thống lâu đời, tuyên bố phấn đấu đạt trình độ khu vực hoặc thế giới nhưng lộ trình xây dựng thương hiệu như thế nào chưa rõ ràng.
Thực chất, thương hiệu/uy tín đã trở thành vấn đề sống còn cho sự tồn tại và phát triển của nhiều trường ĐH, giống như thương hiệu của các công ty sản xuất kinh doanh vậy. Nói đến thương hiệu Sony, Microsoft, Coca Cola là người ta biết ngay đến chất lượng hàng hóa và công ty sản xuất. Cũng như nói đến tên trường Harvard, Cambridge... là người ta biết đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Những người tốt nghiệp trường này đã nằm trong danh mục “săn tìm” của nhiều công ty...
Tại Việt Nam những năm gần đây cũng vậy, khá nhiều trường ĐH đã có sự điều chỉnh thích hợp trong việc nắm bắt nhu cầu của thị trường bằng cách mở ra nhiều chương trình, ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đây là những dấu hiệu tích cực, chứng tỏ các trường ĐH có sự nhạy bén và thích ứng với điều kiện mới của nền kinh tế thị trường. Một số trường ĐH bắt đầu tạo dựng tên tuổi bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển chọn giảng viên giỏi, liên kết, hợp tác đào tạo với các viện trường quốc tế... Tuy nhiên, uy tín, thương hiệu và chất lượng của ĐH Việt Nam, nếu so sánh với ĐH của các nước tiên tiến trên thế giới vẫn còn trong giai đoạn phát triển sơ khai và ít được biết đến. Thực tế cho thấy, một số trường ĐH lớn của nước ta như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa, Đại học Ngoại thương..., việc xây dựng thương hiệu dường như chỉ được thực hiện khá đơn giản như thông qua các tờ rơi giới thiệu và website (dung lượng truyền dẫn thấp) với lượng thông tin ít được cập nhật. Việc quảng bá tên tuổi, lý lịch, công trình khoa học của các giáo sư, giảng viên nhà trường gần như không có. Có thể nói xây dựng thương hiệu ĐH (university brand building) ở Việt Nam đang rất thô sơ. Bằng chứng là khi tìm kiếm trên trang web google, chỉ có thông tin về các diễn đàn hoặc trang web truyền thông, chứ chưa có bất kỳ thông tin gì từ các trường ĐH về chiến lược thương hiệu.

Điều đáng lo ngại là hiện nay chưa có nghiên cứu nào được tiến hành tìm hiểu danh tiếng, tức hình ảnh thương hiệu của các trường ĐH Việt Nam trong cảm nhận của sinh viên, nhà tuyển dụng, xã hội... Vị thế của các trường vẫn được nhìn nhận chủ yếu qua các số liệu tuyển sinh như số thí sinh đăng ký dự thi, điểm chuẩn, tỷ lệ chọi... Việc quảng bá tên tuổi của các trường được thực hiện rời rạc và tập trung ở các trường ĐH ngoài công lập với quảng cáo như chương trình giảng dạy do các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, giảng viên các viện, trường ĐH danh tiếng đảm nhận. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy ở các trường này ra sao dường như chưa có sự kiểm định. Riêng các trường ĐH công lập, việc quảng bá thương hiệu dường như không được thực hiện vì nhiều trường quan niệm “hữu xạ” sẽ “tự nhiên hương”. Mặt khác, việc học sinh phổ thông luôn cạnh tranh để chen chân vào cánh cửa hẹp của giảng đường ĐH với tỷ lệ trung bình 1 chọi 10 hoặc cao hơn cho thấy các trường không cần lo lắng tuyển chọn đầu vào. Đây cũng là một nghịch lý của nền giáo dục ĐH Việt Nam so với các nước. Vì các hoạt động quảng bá thu hút sinh viên và con em ở các gia đình khá giả như ĐH Leiden, ĐH Havard, ĐH Sydney... dường như xa lạ với các trường ĐH công lập Việt Nam. Chính cũng vì lẽ đó mà rất nhiều học sinh xuất sắc đã bằng mọi cách chọn con đường du học, cũng như nhiều gia đình khá giả đã không ngại tốn kém cho con em hưởng thụ nền giáo dục đại học tại các nước tiên tiến. Điều này đang khiến các trường đại học trong nước phải quan tâm đến thương hiệu để không phải bị thua trên sân nhà.
Theo bảng xếp hạng của trang web Webometrics, tuy còn một số điểm nghi ngờ nhưng tầm cỡ như ĐHQG Hà Nội cũng chỉ được xếp hạng 1.125/12.000 trường (vào tháng 7.2011), thứ 743/20.300 trường vào tháng 1.2012, và đứng trong top 200 trường ở châu Á. Nói như vậy để thấy, muốn tạo được thương hiệu của trường đại học trong quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi giáo dục đại học Việt Nam quá nhiều việc phải làm. Điều quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng đào tạo và kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo. Đồng thời, tạo ra cơ chế và động lực trong quản lý nhà nước và quản lý của các cơ sở đào tạo để thực hiện đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.