Không thể cứ “tiền trảm hậu tấu”!

Thanh Quang 17/06/2016 08:44

Nợ công ngày càng lớn, bội chi vút cao, nợ xấu ở các ngân hàng (NH) chưa được xử lý rốt ráo là thách thức mà kinh tế đất nước đang phải đối mặt!

Vấn đề này tiếp tục được mổ xẻ tại Phiên họp thứ 49 vừa qua khi UBTVQH cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Vẫn là những tồn tại cũ tiếp tục được chỉ ra. Đó là việc lập và giao dự toán năm 2014 chưa tốt. Đó là việc chấp hành ngân sách nhà nước năm 2014 có nhiều sai sót, kể cả về thu, chi, quản lý ngân sách. Đó là việc tăng chi làm thay đổi dự toán đã được duyệt, đặc biệt là bội chi… Đáng kể là việc bội chi tăng từ mức 224.000 nghìn tỷ đồng (được QH quyết định) lên mức 260.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tăng chi ODA hơn 36 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013, có hiệu lực từ 1.1.2014, thì tất cả các khoản thu chi đều phải có dự toán. Vậy cơ sở pháp lý cho khoản hơn 36 nghìn tỷ đồng này có không và ở đâu?

Rõ ràng chi tiêu ngân sách phải đi vào quỹ đạo của kỷ cương, kỷ luật. Không thể cứ chi tiêu, cứ “du di” khoản này, sang khoản kia, rồi đề nghị QH thông qua coi như việc đã rồi!

Nhìn lại cái sự bội chi “quá tay” hơn 36 nghìn tỷ đồng với nhiều khoản chi không có trong dự toán, rõ ràng việc thực thi kỷ luật ngân sách không nghiêm. Phải chăng là câu chuyện xin - cho dự án tràn lan, nhiều công trình chưa thu xếp vốn ở đâu vẫn cứ làm? Phải chăng là câu chuyện các địa phương đây đó cứ mở công trình này, công trình kia rồi lại xin vốn trung ương là ở cả đây?

Chính phủ đi tới kiến tạo một chính quyền từ Trung ương, các bộ, ngành đến các địa phương phải thượng tôn pháp luật, có kỷ cương trong sạch và liêm chính, thì không thể diễn cảnh chi tiêu “tiền trảm hậu tấu” kiểu này?

Không thể thương được nữa! Đó là cái “lắc đầu” không thể khác nhiều thành viên UBTVQH trước thực trạng quản lý, sử dụng ngân sách quốc gia, nói thẳng là còn hổng hểnh và buông lỏng!

Bộ trưởng Bộ Tài chính có “trần tình” tha thiết “du dương” kiểu gì, thì cũng là chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm! Chỉ một việc chuyển đổi 10.782,7 tỷ đồng vốn ODA từ việc vay về cho vay lại chuyển sang cấp phát cho một số dự án của Tổng công ty đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong khi chưa báo cáo UBTVQH liệu có đúng quy trình và quy định của Luật Ngân sách Nhà nước? Đúng là theo Luật Quản lý nợ công thì thẩm quyền với việc giải ngân vốn ODA vượt dự toán thuộc Thủ tướng Chính phủ, nhưng nguyên tắc là phải báo cáo UBTVQH trước khi thực hiện. Đằng này, Chính phủ thực hiện trước rồi mới báo cáo UBTVQH (?). Với lĩnh vực tài chính, tiền tệ quốc gia, QH là cơ quan… quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước… sao như thể “chạy theo sau” các bộ, ngành? Khẳng định về việc cần phải chấp hành nghiêm Hiến pháp và pháp luật, mọi khoản thu chi đều phải có dự toán, song theo Bộ trưởng Bộ Tài chính thì đây là vấn đề chi vượt dự toán. Và với khoản vượt dự toán (từ năm 2014 này) bây giờ nhìn lại, đúng là khuyết điểm, nhưng nhìn sâu tí nữa cũng lại là thành tích, vì giải ngân ODA là mong muốn của chúng ta lâu nay. Hiện, chúng ta đã cam kết ODA được 22 tỷ USD mà chưa giải ngân được (?).

Ô hay, việc giải ngân ODA chậm thì phải mổ xẻ căn nguyên ở điều hành, ở làm quy hoạch, kế hoạch đầu tư có vấn đề, ở việc chậm giải phóng mặt bằng làm “đội vốn” các dự án lên, chứ sao có thể đem chuyện giải ngân chậm làm tăng bội chi ngân sách mà “hô” lên cho là “thành tích” được! Ngân sách quốc gia phải tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật, sao có thể cứ “du di”, làm trước trình sau. QH đã quyết bội chi ở mức 224.000 tỷ đồng thì dứt khoát chỉ có 224.000 tỷ đồng, chứ không thể “đội lên” 260.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu lại là tăng ODA hơn 36 nghìn tỷ đồng. Còn việc mức bội chi vượt quá con số QH cho phép có được QH chấp thuận hay không phải là thẩm quyền của QH. 

Thẩm quyền của QH chính là quyền của người dân. Tiêu tiền ngân sách là tiền của dân. Do vậy, từng đồng chi ra phải được cân nhắc, tính toán, giám sát cẩn trọng, đặc biệt phải đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật thì QH mới tròn trách nhiệm! Thế nhưng nhìn xem những năm qua bên cạnh những gì đất nước làm được, ngành tài chính làm được, thì cũng bao việc còn ngẫm ngợi. Nói gì về những đầu tư chệch choạc thiếu tầm ở những đầu tư nhiều nghìn tỷ không hiệu quả đang “trùm mền”? Nói gì về tỉnh nào cũng lộ ra những trung tâm thương mại, chợ, quảng trường, nhà văn hóa, xây cổng chào, dựng tượng đài… ném tiền vào xây dựng uy nghi hoành tráng, nhưng có sử dụng ra tấm miếng gì đâu?

 Cử tri cả nước kỳ vọng QH Khóa XIV, các ĐBQH sẽ giám sát chặt chẽ “túi tiền” ngân sách quốc gia, để mọi chi tiêu lớn nhỏ phải đi vào nền nếp, kỷ cương, kỷ luật. Dứt khoát không thể diễn cảnh “tiền trảm hậu tấu” cứ chi tiêu, rồi đề nghị QH “thương” cho quyết toán!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không thể cứ “tiền trảm hậu tấu”!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO