Không thể chung chung...

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 10:05 - Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22.11.2021 về việc thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Cụ thể, 6 tổ công tác này sẽ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31.10.2021 dưới 60% kế hoạch được giao. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra báo cáo bằng văn bản trước khi Tổ công tác làm việc.

Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công. Đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu...

Theo báo cáo hồi cuối tháng 9 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 4 bộ, 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương dưới mức trung bình cả nước, thậm chí có cơ quan chưa giải ngân và có 9 bộ, ngành xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn ODA. Đến hết tháng 10, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt gần 56% kế hoạch năm 2021 Thủ tướng giao, thấp hơn khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2020. So với kế hoạch Thủ tướng giao vốn hồi đầu năm là 461.300 tỷ đồng, còn tới hơn 200.000 tỷ đồng chưa giải ngân.

Lý do giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng do nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan, cả khách quan. Ví dụ như công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ trương mới thực hiện một cách thực tế, lúc đó lại làm lại, sửa đi sửa lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Tiếp đến là giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng... Riêng năm 2021, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phải giãn cách xã hội nên nguyên vật liệu, nhân công thiếu, chi phí tăng cao...

Về tổng thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân ở khâu thực hiện là chính. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương. Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; bảo đảm chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm... Vì vậy, vấn đề hiện nay nằm ở địa phương.

Cho dù là nguyên nhân gì thì giải ngân vốn đầu tư công chậm đang là vấn đề cần phải giải quyết. Và điều quan hơn nữa, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và phải đột phá ở đâu bởi vì sao cùng môi trường thể chế như nhau nhưng có đơn vị giải ngân cao, có nơi lại thấp. Nếu không làm rõ thì dù Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết cũng vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Trách nhiệm ở đâu, không thể nói chung chung là vướng mắc. Các cấp phải làm rõ câu chuyện này.

Khương Ninh