Không thể chủ quan với thành tích thu hút vốn FDI

- Chủ Nhật, 03/02/2013, 09:14 - Chia sẻ
Trong những năm gần đây, khoảng cách giữa lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và giải ngân đã được thu hẹp. Ngoài ra, lượng vốn đầu tư vào ngành chế tạo chiếm tỷ lệ lớn trong tổng vốn FDI vào nước ta cho thấy các dự án đang đi vào thực chất, không còn mang tính chất đầu cơ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1.2013, trên cả nước có 37 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và 9 dự án tăng vốn. Tổng số vốn của các dự án này là 280 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn được giải ngân cũng đạt 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Đây được cho là một tín hiệu tốt cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2013, đặc biệt với việc thực hiện mục tiêu thu hút từ 13 đến 14 tỷ USD và lượng vốn FDI giải ngân đạt khoảng 11 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, lượng vốn FDI thu hút được trong năm 2013 có thể giữ được mức như năm 2012 do nhiều cam kết với các tổ chức WTO, APEC, ASEAN sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Trong khi đó, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với đối tác quan trọng của nước ta như EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán. Mặt khác, theo khảo sát của Cục Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (Jetro), 46,8% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở nước ta cho rằng việc kinh doanh sẽ cải thiện trong năm 2013. 65% doanh nghiệp được khảo sát cũng khẳng định mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn tại nước ta nên có thể nói thông báo của họ góp phần củng cố thêm niềm tin về thu hút vốn FDI trong năm nay.

 

Nguồn: ITN
Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg đã đưa nước ta ra khỏi danh sách 50 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt, giảm 4 bậc so với năm 2012. Quyết định này của Bloomberg dựa trên số liệu của nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WTO, với các tiêu chí về mức độ hội nhập kinh tế, chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí nhân công và nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí hữu hình và độ sẵn sàng của người tiêu dùng. Ngoài ra, kết quả khảo sát của Jetro cũng cho thấy, bên cạnh lương cho người lao động đã tăng 82% trong thời gian qua, thì tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu thấp, ý thức của công nhân, khó tuyển lãnh đạo doanh nghiệp, sự phức tạp trong các thủ tục hải quan... cũng là những rào cản với doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào nước ta.

Như vậy, không thể chủ quan với thành tích đạt được trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong tháng đầu tiên của năm 2013, cũng như những năm gần đây. Phản hồi của doanh nghiệp nước ngoài về môi trường kinh doanh tại nước ta là những thông tin cần được cơ quan chức năng quan tâm thích đáng. Bởi môi trường kinh doanh, tiềm năng của thị trường là hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Việc thực hiện được mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài không chỉ giúp hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, mà còn giúp thực hiện một số mục tiêu xã hội. Thực tế, doanh nghiệp FDI đang cung cấp một lượng việc làm lớn cho thị trường lao động nước ta, giúp thực hiện mục tiêu tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp. 

Song có thể thấy, từ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đến các đề án cụ thể được các bộ, ngành xây dựng trong thời gian qua đều thể hiện nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của nước ta. Dù vậy, theo Trưởng đại diện Cục Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam Hirokazu Yamaoka: để tận dụng được sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản thì quan trọng nhất là phải thể hiện bằng những hành động. Nói cách khác, các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa chiến lược phát triển chung bằng từng hành động cụ thể, cũng như bám sát định hướng đã đề ra. Và hành động cần có trước nhất là xác định định hướng thu hút vốn FDI, cũng như định hướng phát triển kinh tế chung phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta. Trong đó, với điểm xuất phát yếu của nền kinh tế nước ta thì rõ ràng không thể ngay lập tức sáng tạo công nghệ nguồn và thực hiện tất các các khâu trong quy trình chế tạo ra sản phẩm. Và với mô hình sản xuất, kinh doanh trên thế giới hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ chọn nước ta như một khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm của mình. Điều này có nghĩa là nước ta có thể làm gia công, song hãy là gia công có giá trị gia tăng cao. Các nhà máy chế tạo cũng không nên là những mối hàn mang danh nghĩa công nghệ cao.

Hải Thanh