Không thể chậm trễ!

- Thứ Năm, 04/03/2021, 06:07 - Chia sẻ
Khi nền kinh tế được dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khiến tăng trưởng GDP năm nay khó theo được kịch bản kinh tế ban hành kèm theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ, thì đòi hỏi phải tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một trong những thành tố quan trọng của “cỗ xe tam mã”, thậm chí còn được coi là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm ngoái, chính tỷ lệ giải ngân trên 96% là nguyên nhân quan trọng giúp GDP đạt 2,91%.

Đầu năm nay, chuyện giải ngân vốn đầu tư công đã được tăng tốc, với nhiều dự án trọng điểm được khởi công xây dựng, bao gồm cả dự án cao tốc Bắc - Nam. Đó là tín hiệu tích cực! Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2.2021, tính đến hết tháng 2, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 23,48 nghìn tỷ đồng, bằng 5,09% kế hoạch Thủ tướng giao và bằng 6,2% số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án. Kết quả này đáng được ghi nhận trong bối cảnh năm đầu tiên triển khai kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, lại trùng thời gian kỳ nghỉ Tết và dịch Covid-19 thì đã bùng phát trở lại, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công. 

Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa đạt kỳ vọng, nhất là khi chúng ta cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa đây đã là năm thứ hai chúng ta thực hiện nhiều biện pháp quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thậm chí, không phải là không đạt kỳ vọng, mà nhìn vào con số, thì ước tỷ lệ giải ngân hai tháng đầu năm nay thậm chí còn thấp hơn hai tháng đầu năm ngoái. Hai tháng đầu năm ngoái, tỷ lệ giải ngân là 7,38% kế hoạch Thủ tướng giao. Quan trọng hơn, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp dưới 5%. Có tới 37/48 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân, trong đó có một số bộ, cơ quan trung ương được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách khá lớn (trên 1.000 tỷ đồng). Thực tế này cho thấy cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để tăng tốc giải ngân..

Tháng trước, khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lần đầu tiên xây dựng kịch bản giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, từng quý. Theo đó, quý I hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước của kế hoạch đầu tư vốn năm 2021; quý II hoàn thành việc giải ngân các dự án được phép kéo dài kế hoạch đầu tư sang năm 2021; quý III giải ngân 80% kế hoạch đầu tư vốn năm 2021 của các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2021 và hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư năm 2021. Luỹ kế đến quý IV phấn đấu giải ngân 90% kế hoạch năm 2021 được giao. Gắn với kịch bản này, với tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án sẽ là trách nhiệm của từng lãnh đạo, tổ chức, cá nhân cụ thể.

Kịch bản đã được xây dựng. Không có lý do để chậm trễ. Bởi chậm giải ngân ngày nào, thì hệ lụy tới nền kinh tế lớn chừng đó.

Tháng trước, Chính phủ đã đồng ý việc thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương. Đây chính là một cách để giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục có kết quả tích cực trong năm 2021, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tháng này, Chính phủ tiếp tục nhắc đến việc sớm thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng cũng đã nhiều lần nói rằng, không được để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Điều này là cần thiết hơn bao giờ hết trong năm Covid-19 thứ hai. Nếu không quyết liệt ngay từ đầu năm, hệ lụy với nền kinh tế là không hề nhỏ!

Nguyễn Hà