Không thể chậm trễ hơn!

- Thứ Sáu, 09/10/2020, 08:25 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ Mười tới, theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo và thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết số 24/2016/QH14).

Chỉ vài tháng sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 24 với 22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, tháng 2.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 về chương trình hành động của Chính phủ, xác định rõ 108 nhiệm vụ cụ thể cần thực thi và giao cho từng bộ, ngành, địa phương. Hơn 230 văn bản các loại (trong đó có 26 Luật và Bộ luật) đã được ban hành từ năm 2016 đến nay để triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực. Có thể nói rằng, một khối lượng công việc rất lớn đã được Quốc hội, Chính phủ nghiêm túc triển khai để thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra.

Đến thời điểm này, theo đánh giá của Chính phủ, phần lớn các mục tiêu của Nghị quyết 24 đều đã hoàn thành và có khả năng hoàn thành. Trong đó, có 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa kế hoạch gồm: quy mô nợ công; quy mô nợ chính phủ; tỷ trọng lao động nông nghiệp; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng và dư nợ thị trường trái phiếu.

Tác động tổng hợp của các biện pháp cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện trong thời gian qua đã tạo ra sự chuyển dịch bước đầu về chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mô hình tăng trưởng đã dần chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế đã tăng lên đáng kể, đạt 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 5 năm trước đó và vượt xa mục tiêu đặt ra đạt khoảng 30 - 35% của giai đoạn 2016 - 2020; năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể và tăng đều qua các năm, ước cả giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,8%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015.

4 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Quốc hội và cũng là gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, có những thời điểm, trong một số lĩnh vực, như nhận xét của một vị chuyên gia, “chúng ta đã phải cắn răng lại mà thực hiện”, vượt lên những khó khăn, thách thức, những điểm nghẽn gay gắt trong nội tại nền kinh tế và cả trong tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ để đạt được những kết quả thực chất hơn nhiều so với giai đoạn 2011 - 2015. 
Dù vậy, kết quả tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cho đến nay phải nói thẳng là vẫn còn rất khiêm tốn, tiến độ vẫn còn rất chậm. Có thể lấy ngay 3 lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng để minh chứng cho nhận định này. Cả 3 lĩnh vực trọng tâm đã chưa thể “về đích” đúng thời hạn trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác như yêu cầu của Quốc hội. Các nguồn lực quan trọng như lao động, vốn và tài nguyên vẫn chưa dịch chuyển mạnh đến các ngành và khu vực kinh tế có năng suất lao động và hiệu quả cao. Năng suất lao động có tăng nhưng chủ yếu là do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế chưa kéo theo sự dịch chuyển tương ứng của lao động. Xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử dù đạt được những thành công lớn và có được chỗ đứng nhất định trong chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chúng ta vẫn mới chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, chưa chủ động được nguồn cung cho sản xuất…

Nói cách khác, những kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn khoảng cách rất xa so với đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay càng khiến cho những điểm yếu, những nút thắt trong cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng của nước ta bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Vài năm tới, ưu tiên chính sách và nguồn lực của nước ta sẽ vẫn phải tập trung vào khôi phục kinh tế, khắc phục những hệ lụy của đại dịch Covid-19. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp, bất định của tình hình khu vực và thế giới, những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Trong bối cảnh như vậy, sức ép đối với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong 5 - 10 năm tới là vô cùng nặng nề. Nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta không có đường lùi, không thể chậm trễ hơn được nữa trong việc chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng. Chỉ có thể chăm chút từng nguồn lực, chắt chiu và tận dụng từng cơ hội trong thách thức để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn với tinh thần quyết liệt hơn. “Phải cắn răng lại” mà tiến hành đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực chứ không phải là chỉ ở một số ngành, lĩnh vực như vừa qua.  

Hải Lam