Cơ hội đột phá đưa đất nước phát triển
- Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ Tám khai mạc hôm nay 21.10, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Trước hết, cần nhấn mạnh rằng việc đầu tư dự án này là mong mỏi rất lớn của những người làm trong đường sắt chúng tôi. Ngành đường sắt Việt Nam đã trải qua cả trăm năm nay nên đã lạc hậu. Trong tổng chiều dài 3.143km của mạng lưới đường sắt quốc gia, chỉ có 15% đạt khổ đường ray tiêu chuẩn 1.435mm, còn lại là đường ray khổ 1.000mm. Đây là trở ngại lớn khi kết nối liên vận do hệ thống đường sắt của Trung Quốc và các nước châu Âu đều được thiết kế theo khổ đường ray tiêu chuẩn 1.435mm. Cùng với đó, trong số hơn 1.400 chiếc cầu, hầm trên tuyến, khá nhiều cầu đã cũ nên không đáp ứng được sự đồng nhất về vận tốc chạy tàu, khả năng chịu tải. Ngoài ra, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại còn đối mặt nguy cơ mất an toàn giao thông hàng ngày, do hơn 3.000 đường ngang, lối đi dân sinh chạy qua.
Chính sự lạc hậu, cũ kỹ của hệ thống hơn 100 tuổi khiến đường sắt trục Bắc - Nam không thể cạnh tranh với các phương thức vận tải khác như hàng không, đường bộ. Hiện, đoàn tàu chạy nhanh nhất tuyến Bắc - Nam cũng phải mất 32 tiếng. Nếu cứ dựa vào hạ tầng đường sắt cả trăm năm nay, ngành đường sắt Việt Nam không bao giờ phát triển được. Quan trọng hơn, chúng ta cũng sẽ mất đi những giá trị vô hình ngoài vận tải mà tuyến vận tải đường sắt xương sống của đất nước có thể mang lại.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu nếu không có các giải pháp đột phá. Và Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam chính là bước đột phá. Bởi lẽ đó, việc Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam tại kỳ họp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, được không chỉ những người làm trong ngành đường sắt mà cả xã hội rất trông đợi, kỳ vọng. Điều này cũng nhằm cụ thể hóa chủ trương định hướng của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 10 diễn ra tháng 9 vừa qua, khi đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.
Làm càng nhanh càng tốt
- Theo ông, dự án này sẽ mang lại những cơ hội nào cho sự phát triển đất nước?
- Đất nước ta đang phát triển và nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao. Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự báo nhu cầu vận tải bằng đường sắt đến năm 2050 vào khoảng 18,2 triệu tấn hàng và khoảng 122,7 triệu lượt khách. Khi hoàn thành đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ có năng lực đáp ứng khoảng 133,5 triệu lượt hành khách/năm (đối với tàu suốt Bắc - Nam) và khoảng 106,8 triệu lượt hành khách/năm (đối với tàu khách khu đoạn); vận chuyển hàng hóa đáp ứng khoảng 21,5 triệu tấn hàng hóa/năm (chưa bao gồm năng lực 18,5 triệu tấn/năm của tuyến đường sắt hiện hữu). Với năng lực vận tải lớn, an toàn, tin cậy, tiện nghi, thân thiện với môi trường, dự án sẽ đáp ứng một cách bền vững nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, góp phần giải tỏa áp lực cho các phương thức vận tải khác, đặc biệt là vận tải đường bộ và hàng không.
Với vận tốc 350km/h, dự án này sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp cho hai đầu đất nước kéo lại gần nhau hơn, góp phần tiết kiệm thời gian cũng như chi phí đi lại. Không những thế, dự án được xác định sẽ tập trung vào phát huy lợi thế địa phương, phát triển quỹ đất, đô thị hóa, thì khi hoàn thành sẽ góp phần tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, phát triển du lịch. Như kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, tại các ga của đường sắt tốc độ cao, họ sẽ xây dựng trung tâm thương mại, phát triển đô thị ở khu vực đó; chúng ta cũng đang đi theo hướng này.
Việc triển khai dự án còn có tính lan tỏa tới các ngành khác trong nền kinh tế. Đây sẽ là tiền đề, động lực để phát triển công nghiệp đường sắt - điều rất cần thiết đối với nước ta vốn có lợi thế về phát triển đường sắt do địa hình trải dài. Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư dự án này sẽ tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm.
Cần nhấn mạnh, triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là hoàn toàn phù hợp các chiến lược quy hoạch phát triển giao thông vận tải nói chung, đường sắt nói riêng. Và khi dự án đi vào vận hành, chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho sự phát triển đất nước!
- Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án này, theo ông, cần tập trung cho những công việc gì để có thể triển khai?
- Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính chiến lược đối với sự phát triển đất nước. Do đó, chúng ta cần phải làm càng nhanh càng tốt.
Trước đây, chúng ta đã từng đặt ra vấn đề làm đường sắt tốc độ cao, nhưng khi đó sự chuẩn bị chưa tốt nên chưa thể thuyết phục Quốc hội. Lần này, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị tư vấn đã rất nỗ lực chuẩn bị hồ sơ dự án, cả về hướng tuyến, số lượng ga, huy động vốn, thời gian thi công… Vì thế, tôi rất trông đợi và tin tưởng rằng, sau khi được Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ sẽ bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị triển khai dự án này theo hướng làm càng nhanh càng tốt. Chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa!
Vấn đề rất được quan tâm là nguồn vốn đầu tư dự án rất lớn, lên tới 67,34 tỷ USD. Vì thế, cùng với việc sớm thu xếp nguồn vốn cho dự án này, điều quan trọng không kém là cần phải bảo đảm nguồn vốn được sử dụng hiệu quả. Muốn vậy, vai trò giám sát của Quốc hội là rất quan trọng!
- Xin cảm ơn ông!