Không thể buông lỏng quản lý

Quỳnh Vũ 21/06/2017 08:19

64 người thiệt mạng, 135 người bị thương và hàng chục gia đình mất tích - con số thương vong trong vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất lịch sử Bồ Đào Nha dường như vẫn chưa dừng lại. Câu hỏi đặt ra là: Giữa thế kỷ XXI, giữa trung tâm đất nước, tại sao sự việc lại trở nên thương tâm như vậy?

Thương vong chưa dừng lại

Điều tra cho thấy vụ cháy rừng bùng phát vào khoảng 15h chiều 17.6 tại khu vực rừng núi ở thành phố Pedrogao Grande, thuộc vùng Leiria, cách Thủ đô Lisbon 200km về phía Đông Nam. Nhiệt độ cao (hơn 40oC trong nhiều ngày qua) cùng với gió mạnh đã khiến đám cháy lan rộng.

Theo nhà chức trách Bồ Đào Nha, 47 người được tìm thấy thiệt mạng trên Quốc lộ 236 nối giữa Figueiro dos Vinhos và Castanheira de Pera, khi đang tìm cách thoát khỏi đám cháy, trong đó 30 người bị ngạt trong ô tô. Họ phần lớn là những gia đình đi nghỉ mát cuối tuần tại bãi biển gần đó. Những nạn nhân khác được tìm thấy trong nhà ở các khu vực hẻo lánh. Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha cho biết chưa thể kiểm đếm số người thiệt mạng do chưa thể tiếp cận một số ngôi nhà nằm lẩn khuất trong rừng.

Con số thương vong quá lớn khiến dư luận và truyền thông Bồ Đào Nhà bàng hoàng đặt câu hỏi: Tại sao sự việc lại trở nên mất kiểm soát như vậy?

Thời tiết khắc nghiệt

Bồ Đào Nha có diện tích rừng tự nhiên chiếm 2/3 tổng diện tích lãnh thổ (5,4 triệu ha). Kể từ năm 1980, hỏa hoạn thiêu rụi trung bình 100.000ha rừng mỗi năm và phần lớn nguyên nhân do con người. Tuy nhiên, trong vụ cháy mới nhất, các điều tra viên khẳng định, nguyên nhân ban đầu được xác định là thời tiết khi họ tìm thấy những gốc cây bị sét đánh trúng. Thời tiết hanh khô cùng gió mạnh đã đẩy lửa lan nhanh tứ phía đến các ngọn đồi phủ đầy cây thông và bạch đàn. Loại cây trên vốn rất dễ bén lửa và đã bị hong khô trong nhiều ngày do thời tiết nắng nóng, khô hanh với độ ẩm dưới 30%. Một chuyên gia của Tổ chức Hòa bình Xanh nhận định, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, một đám cháy bình thường cũng có thể nhanh chóng trở nên không thể kiểm soát.

Cơ chế cảnh báo kém hiệu quả

“Trong tình cảnh đặc biệt này, chúng tôi đã cố hết sức và không thể làm gì hơn”, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa phát biểu hôm 18.6. Như đổ thêm dầu vào lửa, tuyên bố trên đã làm dấy lên làn sóng công phẫn trong công chúng. Truyền thông ngay lập tức chỉ ra thái độ tắc trách của chính quyền, đặc biệt là trong công tác cảnh báo cũng như hướng dẫn người dân tránh khu vực thảm họa. “Tại sao không có bất kỳ một cảnh báo hay thông báo nào nghiêm cấm người dân sử dụng đường rừng và các con đường ven rừng trong khi đám cháy bắt đầu bùng lên từ chiều ngày 17.6. Kết quả là có tới 30 người bị mắc kẹt trong ô tô khi tìm cách thoát thân”, một tờ báo lên tiếng. Còn một quan chức từ Viện An ninh dân sự Pháp cho rằng, trong trường hợp này cần huy động mọi phương tiện để thông tin đến người dân, từ sử dụng tin nhắn sms và các ứng dụng di động khác cho đến phong tỏa khu vực cháy...”. Trong khi trên thực tế, vào thời điểm xảy ra vụ cháy, mạng lưới viễn thông trong khu vực gần như ngừng hoạt động. Lính cứu hỏa và lực lượng cứu hộ không thể sử dụng điện thoại khẩn cấp và không có cách liên lạc với nhau.

Sự chủ quan của chính quyền

Tờ Público cũng chỉ ra thái độ chủ quan của chính quyền trong công tác đề phòng rủi ro. “Đợt nắng nóng liên tục được cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo trong nhiều ngày qua nhưng dường như các cơ quan chức năng không hề có một động thái đề phòng nào. Đáng lẽ các vị quan chức hoàn toàn có thể lường trước thảm họa, khi có quá nhiều nguy cơ diễn ra cùng lúc như nắng nóng kéo dài, khô hanh, gió mạnh và sự mất ổn định của khí quyển. Tất cả những điều đó đều đã được cảnh báo trong nhiều ngày nay”.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cháy rừng tại Đại học Coimbra nhận định, có rất nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng trong Kế hoạch Bảo vệ rừng quốc gia, được đưa ra từ năm 2006, nhưng chưa bao giờ được áp dụng. Từ nhiều năm nay, chính quyền vẫn chưa thể thiết lập hành lang an toàn xung quanh các khu vực dân cư và nhà máy gần rừng. Nếu có những vùng đệm trồng rau và hoa màu thì có thể đã giúp ích rất nhiều cho lính cứu hỏa và thương vong có lẽ đã không nghiêm trọng như vậy.

Thiếu sự quan tâm, quản lý rừng

Một trong những đặc trưng của Bồ Đào Nha đó là kể từ cuộc Cách mạng Hoa cẩm chướng, có tới 90% diện tích đất rừng thuộc quyền sở hữu tư nhân. Điều này khiến Nhà nước rất khó can thiệp trực tiếp vào công tác duy tu, bảo dưỡng và quản lý rừng. Kết quả là những cánh rừng bị bỏ mặc hoang hóa, dễ bùng cháy khi những đám cây bụi đủ khô để trở thành mồi lửa. Hơn nữa, do rừng không được quản lý và quy hoạch một cách thống nhất dẫn đến tình trạng độc canh một số loại cây như thông và bạch đàn, những loại cây vốn rất dễ cháy. Và đó chính là tổng hợp những nguyên nhân khiến vụ cháy rừng vừa qua trở thành một trong những thảm họa đáng tiếc nhất của Bồ Đào Nha.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không thể buông lỏng quản lý
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO