Không thể áng chừng

Thanh Hải 10/03/2016 08:17

UBTVQH đã quyết định chưa đưa kế hoạch tài chính trung hạn trình ra QH tại Kỳ họp thứ 11 tới, kéo theo đó là kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng được dừng lại. Quyết định khó khăn này vẫn được đưa ra, dù rằng là đổi mới trong công tác tài khóa nước ta sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương không bị chậm nhịp đầu tư.

Nhiều biến động nên phải thận trọng

Dự thảo Báo cáo về kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 (kế hoạch tài chính trung hạn) chưa được đưa ra QH tại Kỳ họp thứ 11 tới cũng do không đưa ra những con số chắc chắn về cơ cấu thu -  chi ngân sách, và đi theo đó là dự kiến phát hành trái phiếu, bội chi nợ công, bội chi trái phiếu. Lý giải về báo cáo mang tính định hướng này của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình hiện nay có nhiều biến động nên phải thận trọng. Thông lệ thế giới cũng chỉ đưa ra quy định mang tính định hướng cho kế hoạch tài chính ngân sách trong 5 năm và sẽ quyết định cụ thể trong từng năm.

Biến động ảnh hưởng mạnh nhất đến dự kiến thu - chi ngân sách nhà nước là diễn biến của giá dầu trên thị trường thế giới. Giá dầu hiện được dự báo sẽ xoay quanh mốc 40 USD/thùng, nhưng thực tế ngay sau phiên thảo luận của UBTVQH đã có chiều hướng tăng. Giá dầu tăng do có dự báo khả quan về kinh tế Trung Quốc sau khi quyết định tiến hành hàng loạt chương trình cải cách; các quốc gia khai thác dầu mỏ quyết định giảm sản lượng khai thác… Nhưng nếu như giá dầu trở lại xu hướng giảm giá, thì chỉ cần giảm 5 USD/thùng, từ 45 USD/thùng xuống 40 USD/thùng, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 47 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, giá của mặt hàng này cũng sẽ tác động đến sản lượng khai thác, nếu giá tiếp tục giảm chắc chắn sẽ phải giảm thêm sản lượng, khiến thu ngân sách giảm thêm. Hay nói như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thì tính vững chắc đang có vấn đề.

Trong những năm gần đây, việc điều hành ngân sách được ví như đi trên dây do giá dầu trên thị trường thế giới liên tục biến động. Ngay như khi quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, giá dầu được dự tính là 60 USD/thùng, nhưng thực tế giảm một nửa, còn 30 USD/thùng, khiến ngân sách trung ương giảm thu 49 nghìn tỷ đồng. Vì lý do này, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ dự kiến tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo giá thực tế khoảng 9.744 - 10.676 nghìn tỷ đồng, bằng 32 - 34% GDP. Trong đó, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước tập trung là 1.679 nghìn tỷ đồng, không chốt được con số chắc chắn.

“Đồng tiền, bát gạo phải cụ thể”

 Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ dự kiến tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP bình quân khoảng 21,8% GDP, trong đó huy động từ thuế và phí khoảng 20,2% GDP. Quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn này gấp khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó quy mô thu nội địa (chưa bao gồm thu từ sử dụng đất) tối thiểu gấp 2 lần. Cơ cấu thu dự kiến sẽ chuyển dịch theo hướng tỷ trọng các nguồn thu nội địa tăng lên cùng với quá trình nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế; tỷ trọng thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm xuống.

Tình hình thế giới những năm tới chưa được báo cáo nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn, mà bài học trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 vẫn còn đó. Ở thời điểm chưa nhận định rõ xu hướng của tình hình, có lẽ phải thận trọng khi xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn. Nhưng Điều 17 của Luật Ngân sách Nhà nước quy định rõ, kế hoạch tài chính 5 năm là kế hoạch tài chính được lập thời hạn 5 năm cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Kế hoạch tài chính 5 năm xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính; ngân sách nhà nước; những định hướng lớn về tài chính ngân sách nhà nước; số thu và cơ cấu thu nội địa, thu dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, số chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi thường xuyên; định hướng về bội chi ngân sách; giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ…

Điều này có nghĩa là những con số thu - chi phải được định rõ bằng cơ sở vững chắc, không thể dựa vào cảm tính để xác định. Cơ cấu thu ngân sách, rồi con số thu nội địa bao nhiêu, thu dầu thô bao nhiêu… đều phải rõ. Hay như khẳng định Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, câu chuyện tài chính phải cụ thể, không thể nói bâng quơ. Định hướng CPI có thể nâng lên, đặt xuống, nhưng về đồng tiền, bát gạo phải cụ thể, không thể nói chung chung. 

Không chỉ do quy định của Luật Ngân sách nhà nước, mà các con số ngân sách thường liên hệ mật thiết với nhau, nên nếu áng chừng dễ gây lúng túng trong quá trình điều hành cụ thể hàng năm. Việc phân bổ ngân sách hàng năm đã có nhiều ví dụ về việc địa phương, bộ, ngành gặp vướng do lượng vốn ngân sách được phân bổ đã cố định. Số vốn phân bổ được quy định cứng nên không dễ xuôi theo đòi hỏi thực tế khi có thay đổi. Mặt khác, số thu phải rõ mới có thể nghĩ đến số chi ngân sách nhà nước là bao nhiêu, cách phân bổ vốn ngân sách trung ương như thế nào. Phải cầm tiền chắc trong tay mới có cơ sở để nghĩ đến việc phân bổ ngân sách, nếu không sẽ xuất hiện thêm những dự án, chương trình mục tiêu treo, vì chỉ có vốn trên giấy, không có vốn triển khai thực tế.

QH là cơ quan xem xét thông qua các dự án luật, nên về lý phải đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Do đó, việc QH chưa thể xem xét thông qua kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu công trung hạn trong Kỳ họp thứ 11 tới âu cũng là hợp lẽ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không thể áng chừng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO