Không tạo thêm gánh nặng

- Thứ Năm, 10/06/2021, 08:34 - Chia sẻ

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam TRƯƠNG VĂN CẨM: Phải lấy ý kiến đối tượng chịu tác động

Sau các đợt dịch trước, có thể thấy rõ “sức khỏe” của doanh nghiệp giảm đi nhiều. Đợt dịch lần này khiến doanh nghiệp càng yếu hơn. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, chúng tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là phải nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh, không làm lây lan sang các khu vực khác. Con đường nhanh nhất là phải khẩn trương để có được vaccine và tiêm phòng diện rộng, ưu tiên cho các doanh nghiệp trong vùng dịch, chỉ như thế mới mong sớm quay trở lại sản xuất bình thường. Các doanh nghiệp cũng xác định, để tiêm vaccine cho lao động chỉ tầm 1 - 2 triệu đồng/người nên sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ thay vì “ngồi chờ” và rủi ro phải tạm dừng hoạt động nếu phát hiện ca nhiễm.

Các bộ, ngành bên cạnh việc nhanh chóng tìm mọi cách để có được vaccine như chỉ đạo của Thủ tướng cần phải tính đến việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Hỗ trợ mà doanh nghiệp mong chờ nhất lúc này là Chính phủ không đưa ra các chính sách làm tăng chi phí. Trước khi đưa ra bất cứ chính sách mới nào, đặc biệt là chính sách liên quan thuế, phí trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa kết thúc, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá tác động thật kỹ, lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng. Doanh nghiệp đang rất chật vật sau các đợt bùng phát dịch bệnh, thêm chi phí mới sẽ như “giọt nước tràn ly” khiến họ gục ngã, khi đó mục tiêu kép rất khó hoàn thành.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam LÊ DUY HIỆP: Cần nhất môi trường kinh doanh thuận lợi

Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp logistics nói riêng đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Nói cách khác, đợt dịch này đang bào mòn thêm sức chống chịu của doanh nghiệp, họ đã rất chật vật để trụ lại sau những làn sóng dịch trước đó.

"Sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp chính là thước đo cho "sức khỏe" của cả nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi rất mong chờ các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, nhất là không làm tăng chi phí trong giai đoạn này. Đặc biệt, chúng tôi rất mong TP. Hồ Chí Minh xem xét tạm thời chưa thu phí cảng biển từ ngày 1.7 tới mà hoãn lại ít nhất hết năm nay để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.  

Cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất mong muốn Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thông qua việc ban hành những quy định thực sự tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp. Bởi nếu chính sách hỗ trợ như liều thuốc “cấp cứu” thì việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mới là liều thuốc bổ có ý nghĩa dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.

Muốn tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng, trước tiên, các chính sách ban hành phải bảo đảm tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản pháp luật. Trong đó, phải bảo đảm đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động.

Thực tế, chúng ta đã cơ bản tuân thủ quy trình ban hành văn bản pháp luật nhưng đâu đó vẫn có tình trạng làm không kỹ một khâu nào đó, không lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp. Hệ quả là chính sách ban hành dù theo kịp tiến độ yêu cầu nhưng gây bức xúc trong xã hội, khiến doanh nghiệp điêu đứng, ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Do đó, chúng tôi rất mong tới đây tình trạng này sẽ được khắc phục triệt để, qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Chuyên gia kinh tế TRẦN HỮU HIỆPĐừng nghĩ hỗ trợ chỉ là miễn, giảm thuế...

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 - với quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều - giống như cú đấm bồi khiến doanh nghiệp càng thêm lao đao.

Trong bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu xem xét có các gói hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết. Chính phủ đừng nghĩ hỗ trợ chỉ là miễn, giảm thuế, phí mà phải đặt trong tổng thể. Thay vì bỏ tiền ra hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, phí, quan trọng nhất lúc này là đừng tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và phải tìm cách giảm gánh nặng, bởi doanh nghiệp vốn đang khó một thì dịch bùng phát lần này làm khó thêm gấp 2 - 3 lần, bào mòn sức chịu đựng của họ. Cơ chế, chính sách phải thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đó mới là hỗ trợ lớn, mang tính lâu dài.

Nhìn lại thời gian qua, nhiều chính sách không đạt hiệu quả như mong đợi; nhiều quy định khó thực thi nên lại được đề xuất sửa đổi chỉ một thời gian ngắn sau khi ban hành khiến doanh nghiệp rất vất vả, khó khăn. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là công tác đánh giá tác động của chính sách vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và khoa học.

Giải pháp cho vấn đề này là mỗi đề xuất chính sách cần được các bộ, ngành tính toán cụ thể, dựa trên dữ liệu, con số được tính toán khoa học. Bài toán chi phí - lợi ích cần đặt ra và được tính đến gồm cả lợi ích trực tiếp và lợi ích toàn diện của nền kinh tế. Cùng với đó, cần đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách.

____________

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Đan Thanh ghi