Không quy định lại nội dung nghị quyết đã nêu

PHẠM MINH 18/08/2018 08:47

Nghị quyết của HĐND cần quy định cụ thể, chi tiết để UBND có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi ban hành, trừ một số nội dung nghị quyết khó cụ thể hóa, hoặc nếu quy định trong nghị quyết sẽ không phù hợp với nhiều đối tượng, địa phương hoặc sớm bị “lạc hậu” thì giao UBND hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Nếu các nghị quyết đã được quy định cụ thể, chi tiết thì UBND tổ chức thực hiện, không nên quy định lại các nội dung mà nghị quyết đã nêu.

Còn lúng túng trong thực hiện

Nghị quyết của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ban hành thời gian qua nhìn chung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thực hiện đúng quy trình, quy định của luật, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các chỉ tiêu KT - XH, QP - AN và các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách, quy hoạch phát triển, đầu tư công... được các ban của HĐND thẩm tra chặt chẽ, làm cơ sở cho đại biểu HĐND xem xét, thảo luận trước khi quyết nghị. Hầu hết nghị quyết của HĐND các cấp thông qua đến nay được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp và đi vào cuộc sống. Nhiều nghị quyết chuyên đề sát thực tiễn cuộc sống, nhanh chóng thấy rõ tính khả thi, đáp ứng mong mỏi của cử tri, được nhân dân đồng tình, ủng hộ sau khi ban hành.

Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 mới dừng lại ở việc quy định phạm vi các lĩnh vực, chưa quy định những vấn đề cụ thể và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp đều giống nhau, chưa có sự phân cấp cụ thể. Điều này đã dẫn đến nhận thức chưa thống nhất về phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp. Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng còn có nhận thức chưa thống nhất trong việc xác định, phân biệt giữa các nghị quyết quy phạm pháp luật và nghị quyết cá biệt, còn nhiều lúng túng. Một số nghị quyết chất lượng soạn thảo còn hạn chế nên khi triển khai thực hiện có vướng mắc phải chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp; có nghị quyết ban hành sai thẩm quyền do nhận thức chưa đúng, chưa thực hiện đúng quy trình xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật.

Những tồn tại, hạn chế trên, bên cạnh một số nội dung luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng, kịp thời, nhất là về thẩm quyền của Thường trực HĐND xử lý các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp; do nhận thức và cách hiểu ở mỗi địa phương khác nhau, Thường trực HĐND các cấp vừa làm, vừa nghiên cứu nên trong áp dụng thực hiện luật còn hiểu theo nhiều hướng khác nhau, gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong thực hiện.

Biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Kiên Giang Khóa IX Ảnh: Tây Hồ
Biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Kiên Giang Khóa IX
Ảnh: Tây Hồ

Làm rõ mục đích, tính khả thi

Quyết định là một chức năng quan trọng của HĐND. Để nghị quyết của HĐND ban hành bảo đảm tính khả thi, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là phải bảo đảm đúng thẩm quyền, quy trình, quy định của luật. Trước hết, cần nghiên cứu và áp dụng thực hiện cho sát và đúng quy định của luật về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp; xác định rõ nghị quyết quy phạm pháp luật, nghị quyết cá biệt do HĐND các cấp ban hành. Cụ thể: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn HĐND các cấp, bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, cụ thể là việc ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn HĐND tỉnh (Khoản 1, Điều 19), HĐND huyện, thị xã, thành phố (Khoản 1, Điều 26), HĐND xã (Khoản 1, Điều 33), HĐND phường (Khoản 1, Điều 61), HĐND thị trấn (Khoản 1, Điều 68).

Đối với nghị quyết quy phạm pháp luật được ban hành theo nội dung, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại các văn bản pháp luật. Cụ thể là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền ban hành nghị quyết HĐND cấp tỉnh (Điều 27), HĐND cấp huyện, cấp xã (Điều 30) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết việc xác định văn bản quy phạm pháp luật của HĐND các cấp (Khoản 3, Điều 3).  Đối với nghị quyết cá biệt, ban hành theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19.11. 2011 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

Để bảo đảm đúng và trúng, việc lựa chọn nội dung để ban hành nghị quyết phải trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của cấp ủy, quy hoạch phát triển KT - XH của địa phương và xuất phát từ yêu cầu thực tế, giải quyết nhiệm vụ cụ thể về KT - XH, QP - AN của địa phương; vấn đề phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, công tác quản lý xã hội… Đặc biệt, phải làm rõ mục đích của việc ban hành nghị quyết, đối tượng, mức độ tác động đến các đối tượng, nguồn lực, khả năng của địa phương bảo đảm nghị quyết được thực thi.

Một vấn đề quan trọng đặt ra là cần bảo đảm đúng trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành nghị quyết của HĐND. Nhất là đối với các nghị quyết quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng rãi, lâu dài, tác động trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của đông đảo nhân dân, phải tổ chức lấy ý kiến các đối tượng liên quan, phải được đăng tải toàn văn dự thảo nghị quyết trên cổng thông tin điện tử của tỉnh trong thời hạn ít nhất là 30 ngày, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp và gửi đến các cơ quan chức năng để thẩm định, thẩm tra theo đúng quy trình, quy định.

Một điểm đáng chú ý nữa là nghị quyết của HĐND cần quy định cụ thể, chi tiết để UBND có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi ban hành, trừ một số nội dung mà nghị quyết khó cụ thể hóa, hoặc nếu quy định vào nghị quyết sẽ không phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều địa phương hoặc sớm bị “lạc hậu” thì giao UBND hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Nếu các nghị quyết đã được quy định cụ thể, chi tiết thì UBND tổ chức thực hiện, không nên quy định lại các nội dung nghị quyết đã nêu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không quy định lại nội dung nghị quyết đã nêu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO