Không quy chụp trách nhiệm hay vội vàng kết luận

BẢO TRÂM 27/05/2019 08:13

Khi tranh luận, chất vấn, các đại biểu cần lắng nghe, nắm chắc nội dung đại biểu khác nói để tranh luận đúng; không quy chụp trách nhiệm và chất vấn đại biểu khác; không được vội vàng kết luận người khác sai, đề cao tính xây dựng trong chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt, chỉ khi vấn đề chất vấn được xem xét và giải quyết thấu đáo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát đặc biệt này mới được nâng cao… Đó là ghi nhận tại Hội nghị Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu năm 2019 mới đây.

Nâng cao kỹ năng tranh luận tại nghị trường

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Đoàn Đức Long, trên cơ sở bám sát các quy định của pháp luật và kế thừa, phát huy kinh nghiệm hoạt động từ những nhiệm kỳ trước, hoạt động của HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quản về: Cách thức tổ chức kỳ họp, quyết định những vấn đề quan trọng tại địa phương; hoạt động giám sát, TXCT, tiếp công dân, xử lý đơn, thư KNTC, kiến nghị của công dân… Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND các cấp trong tỉnh có mặt, có việc còn hạn chế. Trong đó, số đại biểu tham gia thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp không nhiều; việc tự nghiên cứu, học hỏi của một số đại biểu còn có mặt hạn chế; tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND còn ít; hoạt động giám sát việc ban hành văn bản QPPL chưa thực hiện được. Do đó, việc bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức, trau dồi kỹ năng hoạt động cho mỗi đại biểu tại Hội nghị tập huấn sẽ giúp đại biểu HĐND từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để làm tròn trách nhiệm, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Trao đổi trong chuyên đề Kỹ năng thảo luận, tranh luận tại nghị trường, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn cho rằng, việc thực hiện hiệu quả hoạt động chất vấn, thảo luận, trong đó tăng cường tranh luận tại kỳ họp của đại biểu phụ thuộc nhiều yếu tố, như: Sự am hiểu lý luận và thực tiễn, bản lĩnh và khả năng diễn đạt của từng đại biểu. Bên cạnh những hiểu biết chung về trách nhiệm, quyền hạn, kiến thức pháp luật, hiểu biết thực tiễn... đại biểu cần thường xuyên rèn luyện kỹ năng thảo luận, tranh luận và chất vấn ở nghị trường.

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng: Các đại biểu cần lắng nghe, nắm chắc nội dung đại biểu khác nói để tranh luận đúng, tránh hiện tượng “ông nói gà bà nói vịt”, tranh luận không đúng nội dung, không đúng trọng tâm, thậm chí làm rối thêm vấn đề. Thông thường, ý kiến tranh luận nảy sinh khi đại biểu khác phát biểu, do vậy khi quyết định tranh luận đại biểu cần bảo đảm mình nắm chắc vấn đề, có chứng cứ và lập luận chắc chắn. Đặc biệt, không quy chụp trách nhiệm và chất vấn đại biểu khác. Đây là điều cần tránh, bởi đại biểu gần như không có quyền phán xét đại biểu khác. Bên cạnh đó, không được vội vàng kết luận người khác sai, bởi chưa chắc ý kiến của mình đã hoàn toàn chính xác. Dưới mỗi góc độ, cương vị, thông tin khác nhau có thể có những nhận định khác nhau, việc đưa ra ý kiến tranh luận để có cách hiểu bao quát, đầy đủ hơn về cùng một vấn đề. Việc quyết định đúng sai như thế nào thuộc về quyền của QH, HĐND, thể hiện ở việc biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết - ông Sơn nhấn mạnh.

Đề cao tính xây dựng trong chất vấn

Theo dõi hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Hà Công Long nhận thấy: Nhìn chung, Thường trực HĐND các địa phương đã chọn đúng, trúng những vấn đề thời sự để đưa ra chất vấn; các đại biểu cũng đã lựa chọn được những vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân để chất vấn. Kết quả chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ những nội dung, rõ trách nhiệm của người bị chất vấn và đưa ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm… Tuy nhiên, chất vấn của đại biểu nhiều trường hợp còn chưa mang tính bao quát, chưa phản ánh được những vấn đề bức xúc hoặc vấn đề lớn ở địa phương và chưa đi sâu vào trọng tâm; người trả lời còn dài dòng, né tránh trách nhiệm, chưa làm rõ nguyên nhân, thực trạng nội dung vấn đề đại biểu chất vấn; ý kiến chất vấn ở cấp xã còn ít, mỗi kỳ họp chỉ có một vài ý kiến, có kỳ họp không có ý kiến. Ngoài ra, một số đại biểu thiếu thông tin, kiến thức còn hạn chế, thiếu tự tin, ngại va chạm; thiếu bản lĩnh và trách nhiệm trước cử tri…

Trong chuyên đề về Kỹ năng chất vấn và trả lời chất vấn, để hoạt động giám sát đặc biệt này có hiệu lực, hiệu quả, nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, cần làm tốt một số nội dung quan trọng. Trong đó, đại biểu HĐND phải nhận thức đúng bản chất của chất vấn, là quyền riêng của đại biểu, được pháp luật quy định, chỉ khi quyền này được vận dụng và thực hiện tốt thì những vấn đề bức xúc, những ý kiến, kiến nghị của cử tri mới được làm sáng tỏ, giải quyết thỏa đáng. Đặc biệt, cần đề cao tính xây dựng trong chất vấn và trả lời chất vấn, không “bới lông tìm vết”. Đặc biệt, chỉ khi vấn đề chất vấn được xem xét và giải quyết thấu đáo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát đặc biệt này mới được nâng cao. Vì vậy, việc theo dõi hậu chất vấn rất cần thiết, để các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện những nội dung kết luận tại phiên họp này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không quy chụp trách nhiệm hay vội vàng kết luận
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO