Không phải “phao cứu sinh”

- Thứ Sáu, 25/06/2021, 08:07 - Chia sẻ
Sau 9 tháng điều tra, đánh giá thiệt hại của ngành mía đường, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99%, thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%.

Bộ Công thương đánh giá việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng đường là việc làm cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các nhà máy sản xuất đường và người nông dân trồng mía trong nước với đường nhập khẩu. Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng.

Việc đánh thuế lên đường nhập khẩu được trợ giá có thể coi là động lực đầu tiên để các doanh nghiệp vực dậy ngành sản xuất, tuy nhiên tấm khiên chắn phòng vệ thương mại này không phải là “phao cứu sinh” cứu ngành mía đường nếu các doanh nghiệp không tự thân chuyển đổi. Về lâu dài, các doanh nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất, liên kết để tăng cường nội lực, đủ năng lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu một cách sòng phẳng.

Thông thường, một nhà máy đường phải có công suất ép từ 6.000 tấn mía/ngày đêm trở lên mới đạt được lợi thế và có khả năng cạnh tranh với đường trong khu vực. Tuy nhiên, theo thống kê năm 2019, công suất ép bình quân của các nhà máy đường trong nước mới ở mức 3.700 tấn mía/ngày đêm và chỉ có 8 nhà máy có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn. Nếu không có những giải pháp đồng bộ về liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và thương mại nhằm hạ giá thành, thì việc áp thuế chống bán phá giá cũng khó có thể giúp doanh nghiệp trụ vững trong ngành.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngành mía đường Việt Nam có thể thực sự phục hồi sản xuất và phát triển, cần sàng lọc, tái cơ cấu và tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất hoạt động hiệu quả, năng suất; đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nhằm tối ưu hóa quy mô, đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía và phế phụ phẩm. Bởi cơ hội phát triển ngành đường còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật…

Đặc thù của ngành mía đường là nguyên liệu phụ thuộc rất nhiều vào nông dân và các hợp tác xã trồng trọt nên để chủ động nguồn nguyên liệu, giải pháp có tính lâu dài và bền vững là phải xây dựng chuỗi liên kết đồng bộ giữa doanh nghiệp, nông dân cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cũng như các địa phương. Điều này không phải các doanh nghiệp không nắm rõ, tuy nhiên vùng nguyên liệu chỉ có thể hình thành và duy trì nếu người nông dân trồng mía có thu nhập đủ sống. Do đó, cần luật hóa nguyên tắc chia sẻ lợi ích của các bên trong một chuỗi giá trị, tránh việc đẩy nông dân vào thế yếu “được mùa mất giá” mới bảo đảm liên kết bền vững.

Rõ ràng, để có thể vực dậy cả ngành mía đường cần những giải pháp tổng thể cả về quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ. Trong đó, cần rà soát đánh giá và quy hoạch lại các diện tích sản xuất mía có tiềm năng đạt được hai yếu tố năng suất cao và chi phí thấp để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu. Với những tín hiệu tích cực từ chính sách, hy vọng ngành mía đường sẽ chủ động chuyển đổi, tái cơ cấu để từng bước khôi phục sản xuất nội địa trong năm 2021 và nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

Chi An