Ứng phó với hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long:

Không phải "nóng đâu phủi đó"!

- Thứ Năm, 24/09/2020, 15:31 - Chia sẻ
Những năm qua, từ ngân sách Trung ương, địa phương cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, đã có 98% người dân đồng bằng sông Cửu Long được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan của khí hậu, nguồn nước, xâm nhập mặn trên diện rộng đã ảnh hưởng rất lớn đến cấp nước sinh hoạt cũng như cho sản xuất.

Theo thống kê, mùa khô năm 2019 - 2020, có khoảng 96 nghìn hộ dân, tương đương 430.000 người ở đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt. Đồng bằng sông Cửu Long "khát" đã quá rõ ràng, bởi cả lý do khách quan và chủ quan. Thế nhưng để có giải pháp hữu hiệu và bền vững không phải đơn giản, cần có quy hoạch tổng thể vùng để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải "nóng đâu phủi đó", đối phó từng năm - ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với các địa phương trong vùng về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 diễn ra vừa qua.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng nhắc lại những đợt hạn mặn khốc liệt từng xảy ra: Mùa khô năm 2015 - 2016, nhiều cánh đồng ở miền Tây khô cháy do hạn mặn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Mưa ít, nước sông Mekong thiếu hụt, nước mặn lấn sâu. Tuy nhiên, trong mùa khô 2019 - 2020 dù hạn mặn xảy ra khốc liệt hơn, nhưng mức độ ảnh hưởng đã giảm rất nhiều, chỉ khoảng 7 - 8% so với năm 2015 - 2016. Đó là nhờ sự chủ động của cả người dân và chính quyền địa phương. Do đó ngay từ bây giờ, chúng ta phải bàn và sớm đưa ra những giải pháp cho mùa khô những năm tới để giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra - Thủ tướng nhấn mạnh.

Dù đã có được những kết quả nhất định đó là mức độ thiệt hại đã giảm thiểu hơn rất nhiều so với năm 2015 - 2016, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020, bước vào mùa lũ, lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mekong vẫn tiếp tục bị sụt giảm. Từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn Trung Quốc thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 25% và cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 10%. Mưa ít nên mực nước lũ dọc dòng chính sông Mekong cũng bị giảm mạnh so với trung bình nhiều năm. Mực nước tại các trạm ở thượng lưu sông Mekong thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5 - 4m; còn ở hạ lưu sông Mekong thấp hơn trung bình nhiều năm 3 - 5,5m và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 1,3 - 7,2m... Riêng nguồn nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, nguồn nước mặt cũng thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ 1,15 - 2m. Trong khi đó, nguồn nước ngầm tại khu vực này có xu hướng giảm theo thời gian.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, mùa khô 2020 - 2021 sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn sẽ sớm diễn ra và gay gắt dù không bằng năm 2019 nhưng cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái. Thiếu hụt nguồn nước còn dẫn đến mực nước trên sông và các kênh rạch ở mức thấp, nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông và các kênh rạch trong thời gian này, đặc biệt là trên các sông chính. Do đó, cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là không thể tránh, buộc chúng ta phải sống chung. Đây là nguy cơ nhưng cũng là thời cơ nếu chúng ta biết tận dụng những mặt tích cực để phát triển kinh tế - Thủ tướng khẳng định.

Để làm được điều này, ngoài sự chủ động của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, cái chính là cần có và triển khai đồng bộ, hiệu quả cả giải pháp trước mắt và lâu dài, chứ không phải "nóng đâu phủi đó"... Có như vậy mới "giải khát" được cho đồng bằng sông Cửu Long.

Ninh Khương