Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

"Không phải là việc tách luật, chia luật hay là chia quyền"

- Thứ Hai, 16/11/2020, 19:00 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên họp chiều nay, 16.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội về việc tách phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này ra khỏi Luật Giao thông đường bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, việc bảo đảm  trật tự an toàn giao thông đường bộ là vấn đề hết sức quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm, đòi hỏi phải có các quy định mang tính tổng thể, đầy đủ, chặt chẽ để điều chỉnh các vấn đề đặt ra từ thực tế quản lý, hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH Quách Thế Tản (Hòa Bình) cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật này song song với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá khách quan, thận trọng xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Quá trình xây dựng dự án Luật đã nhận được sự đồng tình cao của các bộ, ngành, thành viên Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất. Việc xây dựng hai dự án Luật sẽ gắn trách nhiệm của các bộ, ngành đối với từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, ngành công an chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

Cơ bản đồng tình với việc tách thành 2 dự án Luật nhưng ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) băn khoăn việc tách như vậy có làm phát sinh tổ chức bộ máy và biên chế hay không? Việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện máy móc, trang thiết bị phục vụ cho chuyên môn được sử dụng như thế nào, nhất là ở bộ phận sát hạch cấp phép lái xe, bộ phận an toàn giao thông? 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu

Không nhất trí với đề xuất của Chính phủ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, các lý do được nêu trong Tờ trình là không thuyết phục. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ở mỗi quốc gia, khi xây dựng luật giao thông đường bộ thì mục đích cao nhất là để bảo đảm an toàn giao thông. Theo ông, nếu luật hiện hành chưa tốt thì cần hoàn thiện những chỗ chưa tốt đó trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chứ không phải là tách ra thành một luật riêng. ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đề nghị, cần có sự xem xét đánh giá toàn diện các chính sách về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Giải trình, làm rõ vấn đề được các ĐBQH đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ thực tế Chính phủ xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là trách nhiệm của Bộ Công an. Trật tự, an toàn giao thông là một bộ phận của trật tự, an toàn xã hội. Bộ Công an chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn xã hội, do đó, Bộ Công an chịu trách nhiệm chính về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và có sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khác. “Nếu Quốc hội đồng ý ban hành Luật này, trong lực lượng công an sẽ không tăng về biên chế; không làm tăng chi phí, thủ tục hành chính…”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, trên thực tế không phải là tách luật, mà trong quá trình làm luật cùng với sự phát triển chung của mọi mặt đời sống xã hội ngày càng đi vào những lĩnh vực cụ thể, càng phải quy định chi tiết, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Ví dụ như pháp luật về đầu tư, chúng ta có Luật Đầu tư, rồi có Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Hay Luật Khiếu nại, tố cáo trước đây đến nay cũng đã tách thành Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại. Rất nhiều các luật chuyên ngành khác đều ngày càng đi vào cụ thể. Đưa ra những ví dụ này, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, đây không phải là việc tách luật, chia luật hay là chia quyền. Đồng thời nêu rõ, sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện dự án Luật. 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, khi đồng ý bổ sung dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Kỳ họp thứ Mười, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã lưu ý việc tách thành hai dự án Luật phải cân nhắc thật kỹ và xin ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ Mười. Do đó, vấn đề này, Quốc hội sẽ quyết định. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội trường và tại tổ về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về các vấn đề lớn của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để báo cáo Quốc hội.

Thanh Chi