Không phải chuyện riêng của bệnh viện!

- Chủ Nhật, 30/05/2021, 07:43 - Chia sẻ
Nỗi lo thiếu hụt vật tư y tế, nhất là những thiết bị “đặc chủng” tại các bệnh viện, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 không còn là nguy cơ mà thực tế đã xảy ra ở một số nơi. Vì vậy, chuẩn bị tốt phương án dự phòng, sẵn sàng thủ tục để mua bổ sung khi cần, đồng thời tính đến các cơ chế điều phối tốt hơn nguồn lực vật tư y tế là những ưu tiên Chính phủ, Bộ Y tế và các bên liên quan cần tính đến trong kế hoạch phòng, chống dịch hiện nay.

Trước hết, phải thừa nhận rằng những vụ việc sai phạm, tham nhũng, trục lợi trong các gói thầu mua sắm thiết bị y tế bị điều tra, xử lý nặng ở cấp độ hình sự gần đây đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và sự thận trọng của các bệnh viện. Bối cảnh chống dịch xuất hiện nhiều tình huống bất ngờ, khẩn cấp, vật tư y tế có thể thiếu hụt nhanh khi số lượng bệnh nhân tăng đột biến đòi hỏi phải thực hiện thủ tục mua sắm nhanh hơn. Nhưng mặt khác, cơ sở y tế lại phải thận trọng để phòng ngừa rủi ro vi phạm các thủ tục đấu thầu, mua sắm. Đây rõ ràng là thách thức không nhỏ.

Để xử lý điều này, một mặt bản thân cơ sở y tế phải đặc biệt chú trọng công tác lập kế hoạch và cập nhật thông tin sát sao về diễn tiến dịch để chủ động và sẵn sàng về mọi nguồn lực. Kế hoạch tốt và sự sẵn sàng không chỉ ở khía cạnh nhân sự chống dịch như thường thấy mà còn về kế hoạch đấu thầu mua sắm. Ví dụ, trên cơ sở dự báo về nguồn cung, tồn kho, bộ phận mua sắm cần duy trì liên hệ với các nhà cung cấp và sẵn sàng các thủ tục hồ sơ báo giá, đánh giá chọn thầu, chọn nhà cung cấp. Như vậy, khi cần thiết, các thủ tục đã sẵn sàng và thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Bên cạnh đó, bản thân cơ quan tài chính, cơ quan bảo hiểm xã hội ở địa phương cũng cần sẵn sàng hỗ trợ cơ sở y tế trong việc thực hiện các thủ tục. Điều này bao gồm việc thống nhất hướng dẫn về thủ tục thực hiện, tham gia hỗ trợ thông tin, hỗ trợ chuyên môn trong tất cả các khâu của tiến trình đấu thầu, mua sắm dù là theo phương thức chỉ định thầu hay đấu thầu cạnh tranh. Sự tham gia của các bên, đặc biệt là ngành tài chính, bảo hiểm xã hội sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, đồng thời đẩy nhanh tiến trình mua sắm công cho các bệnh viện.

Cuối cùng, vào tháng 9.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách cho việc phòng, chống dịch bệnh. Ở cấp Trung ương hoặc cấp vùng, các loại vật tư, hàng hóa phục vụ chống dịch cần được chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ kịp thời cho các bệnh viện. Trong trường hợp bệnh viện thiếu hụt mà chưa kịp thời làm thủ tục mua sắm, sự “chi viện” từ nguồn dự trữ quốc gia là cần thiết. Năng lực của cơ quan dự trữ quốc gia trong việc hỗ trợ ngành y, cơ sở y tế là đặc biệt quan trọng. Bởi nếu cơ quan này làm tốt sẽ giúp giải quyết được tình trạng mua sắm, tích trữ thừa quá mức cần thiết ở một số địa phương, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Và đồng thời, nếu xảy ra thiếu hụt, sự sẵn sàng cung ứng từ dự trữ quốc gia sẽ giúp khắc phục tình hình. Do đó, vai trò điều phối nhanh, chính xác từ cơ quan này cần được chú trọng.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, không thể để ngành y tế nói chung, mỗi bệnh viện nói riêng đơn độc dù là trong việc “mua thuốc”. Sự đồng lòng, chung tay sẽ tạo ra sức mạnh để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Cẩm Phô