Không nhiều kỳ vọng

- Thứ Ba, 16/11/2021, 05:41 - Chia sẻ
Hôm qua, 15.11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp trực tuyến thông qua cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đã được lên kế hoạch từ trước. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung gặp nhiều khó khăn, đây được xem như là cơ hội để cả hai ông lớn của thế giới tìm cách giải quyết khúc mắc chung.

Những giới hạn

Theo AP, trước đây, ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình từng cùng ăn mỳ ở Bắc Kinh, trao đổi quan điểm về ý nghĩa của nước Mỹ trên cao nguyên Tây Tạng, hay nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ về tăng cường lòng tôn trọng dành cho nhau. Thực tế, Tổng thống Mỹ đã giữ quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc như một bằng chứng cho thấy niềm tin rằng, chính sách đối ngoại tốt bắt đầu bằng việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân bền chặt. Tuy nhiên, khi hai nhà lãnh đạo bước vào cuộc họp thượng đỉnh, mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng đang chứng tỏ khả năng kết nối của Tổng thống Mỹ có giới hạn.

	Nguồn: AFP
Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế ở Southgate, Los Angeles, tháng 2.2012
Nguồn: AFP

Ông Matthew Goodman, người từng là Cố vấn châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thời chính quyền các cựu  Tổng thống  Barack Obama và George W. Bush cho biết: “Khi nói đến mối quan hệ Mỹ - Trung, khoảng cách quá lớn và các đường xu hướng có quá nhiều vấn đề, khiến tiếp xúc cá nhân khó có thể đi xa”.

Chính vì thế, giới chức Nhà Trắng không đặt kỳ vọng cao cho cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình lần này. Theo họ, Mỹ không mong đợi có thông báo quan trọng hay không có kế hoạch cho tuyên bố chung thông lệ của hai nước vào cuối cuộc gặp.

Sự nồng nhiệt công khai - Chủ tịch Tập Cận Bình gọi ông Biden là “người bạn cũ” khi ông này đến thăm Trung Quốc vào năm 2013, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Biden lúc đó cũng nói về tình bạn giữa họ - giờ đã nguội lạnh khi cả hai người đều là nguyên thủ quốc gia. Vào tháng 6, Tổng thống Biden từng nổi cáu khi được một phóng viên hỏi liệu ông có muốn thúc giục “người bạn cũ” của mình hợp tác trong cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới về nguồn gốc của virus Corona hay không. Thực tế, ông Biden và ông Tập Cận Bình lần đầu tiên biết nhau qua các chuyến công du khắp nước Mỹ và Trung Quốc khi cả hai người đều là Phó Tổng thống và Phó Chủ tịch Nước, những tương tác mà họ cho biết đã để lại ấn tượng lâu dài.

Dấu hiệu "tan băng"

Thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy tiềm năng "tan băng" dù chỉ rất ít sau khi 9 tháng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden được đánh dấu bằng việc Mỹ và Trung Quốc buộc tội lẫn nhau và những trao đổi không hiệu quả giữa các cố vấn hàng đầu của lãnh đạo hai bên. Chẳng hạn, vào tuần trước, cả hai cùng cam kết tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow, Scotland, để tăng cường hợp tác và tăng tốc hành động nhằm kiềm chế lượng khí thải gây hại cho khí hậu.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Cả hai từng tổ chức các cuộc điện đàm kéo dài vào tháng 2 và tháng 9, lúc đó họ thảo luận về nhân quyền, thương mại, đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề khác.

Tổng thống Biden từng nói rõ, ông coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ, và đã cố gắng điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ để phản ánh niềm tin đó. Chính quyền Washington đương nhiệm đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Trung Quốc, hủy hoại các nỗ lực ủng hộ dân chủ ở Hong Kong và không chịu hợp tác để điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19… Căng thẳng cũng gia tăng khi Trung Quốc tăng cường các chuyến bay tập trận quân sự đến gần Đài Loan mới đây.

Các quan chức Trung Quốc phát tín hiệu rằng, Đài Loan là vấn đề hàng đầu trong các cuộc đàm phán. Còn Tổng thống Biden thì nói rõ, chính quyền Washington sẽ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc” lâu đời của Mỹ, công nhận Bắc Kinh nhưng cho phép quan hệ không chính thức và quan hệ quốc phòng với Đài Bắc.

Các tổng thống khác của Mỹ trước đây cho rằng, gắn kết với đối thủ địa chính trị có thể là chiến lược chính sách đối ngoại tốt. Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng tuyên bố sau cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin là, ông “nhìn thẳng vào mắt người đàn ông này” và “có thể hiểu được tâm hồn của ông ấy”. Sau này, ông Bush còn tiếp nhà lãnh đạo Nga tại trang trại của mình ở Crawford, Texas, cũng như đưa ông về dinh thự của cha mình ở Kennebunkport, Maine, nơi Tổng thống thứ 43 và 41 của Mỹ đưa Tổng thống Nga đi câu cá.

Còn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thì thay đổi quan điểm từ gọi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là “người đàn ông tên lửa” sang tuyên bố hai người “có cảm tình với nhau” trong cuộc trao đổi thư khi Tổng thống Mỹ cố gắng thuyết phục Chủ tịch Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, theo một số nhà phân tích, phương pháp tiếp cận cá nhân của ông Biden đối với chính sách đối ngoại là được đánh dấu bởi thực tế là ông đã hiện diện trên trường quốc tế trong gần nửa thế kỷ qua, trong sự nghiệp chính trị kéo dài của mình.

Theo một quan chức giấu tên của Mỹ, việc Bắc Kinh có kế hoạch tổ chức Thế vận hội mùa Đông vào tháng Hai và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp tục được bầu thêm một nhiệm kỳ 5 năm vào tháng 10 tới, thì sẽ có rất nhiều lý do để nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm cách ổn định mối quan hệ trong thời gian tới.

Hiện nay, tăng trưởng kinh tế chậm lại và cuộc khủng hoảng nhà ở với sự châm ngòi phá sản của Tập đoàn bất động sản Evergrande đang gây ảnh hưởng lớn đến Bắc Kinh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong cuộc phỏng vấn “Face the Nation” của CBS phát sóng hôm Chủ nhật đã cảnh báo, việc đào sâu các vấn đề của Trung Quốc có thể “gây ra những hậu quả toàn cầu”.

Bản thân Tổng thống Biden, người chứng kiến tỷ lệ ủng hộ mình bị suy giảm trong nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, lạm phát và các vấn đề về chuỗi cung ứng, cũng đang tìm cách cân bằng một trong những chính sách đối ngoại có thể có hậu quả lớn nhất mà ông phải đối mặt.

Ông chủ Nhà Trắng lẽ ra muốn tổ chức cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không rời đất nước gấu trúc kể từ trước khi bắt đầu đại dịch Covid-19. Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến được đề xuất sau khi ông Biden đề cập trong cuộc điện đàm hồi tháng 9 rằng, ông muốn gặp lại ông Tập Cận Bình.

Ngọc Minh